Nên căn cứ thực tế
Phản ứng mạnh mẽ nhất với thông tin này là giáo viên dạy Lịch sử. Cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, nếu để Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp THPT là không phù hợp. Cũng có ý kiến cho rằng, cấp II học sinh đã học Lịch sử, lên cấp III chỉ cần học định hướng. Cách hiểu này cũng có phần đúng. Nhưng phẩm chất, năng lực của học sinh hoàn thiện chủ yếu ở giai đoạn phổ thông trung học. Môn Lịch sử nên là một môn có vị trí xứng đáng với tầm quan trọng vốn có. Bên cạnh ứng xử như một môn học bình thường, với một quốc gia có nhiều dấu mốc Lịch sử, môn học này không thể coi nhẹ".
Theo cô Thu Hương, chương trình hiện nay đang “ôm quá nhiều kiến thức" là nguyên nhân khiến học sinh sợ Lịch sử. Nhưng ở những chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu học sinh không chọn môn Lịch sử, những chủ đề chống Pháp, chống Mỹ không được học ở lớp 10 hay quan hệ Quốc tế (lớp 12) sẽ là khoảng trống với học sinh. Mặc dù, những kiến thức này ở bậc THCS đã có, nhưng học sinh chưa nhận thức sâu sắc.
Nêu thực trạng về việc dạy và học Lịch sử trong trường THPT, cô Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, hiện nay, môn Lịch sử đang bị coi nhẹ vì nhiều nguyên nhân: Cách dạy của giáo viên, lựa chọn của học sinh (môn chính - môn phụ), quan niệm, quan tâm của cấp trên với bộ môn. Chẳng hạn, yêu cầu kiểm tra kiến thức nặng nề, học sinh học áp lực. Với lượng kiến thức nhiều và thi theo trắc nghiệm, chủ yếu cách dạy của giáo viên hiện nay là học “từ khoá”.
“Nếu ngành Giáo dục không cho học toàn bộ, thì nên để học sinh học chủ đề giáo dục truyền thống yêu nước. Chẳng hạn, hiện nay học sinh được chọn 1 - 2 tổ hợp để thi: Lý, Hoá, Sinh hoặc Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nếu học sinh chọn tổ hợp tự nhiên sẽ không chọn môn Lịch sử là phần nhiều. Vì thế, khi môn Lịch sử được xem là môn tự chọn, tôi đã thấy rất có vấn đề", cô Thu Hương nhấn mạnh.
Theo thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An thì việc học sinh không chọn Lịch sử sẽ khác với việc học sinh không yêu sử. Nhiều em có thể rất yêu thích môn Lịch sử, nhưng không chọn Lịch sử là môn thi, không chọn Lịch sử là nghề nghiệp cho tương lai của mình.
"Là một giáo viên Lịch sử lâu năm, tôi không ngạc nhiên về điều đó. Tuy nhiên, xét về mục đích, học sinh ở bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào, môn Toán có thể không giỏi, ngoại ngữ có thể không hay, nhưng không thể nói môn Lịch sử lại không biết gì. Từ những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, gần hơn là những câu chuyện kháng chiến giữ gìn đất nước, non sông... Không biết cội nguồn thì sẽ không bao giờ thấy được mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai"- thầy Trần Trung Hiếu phân tích.
Đổi mới chương trình, cách dạy
Nhìn ở góc độ khác, GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho cho biết: “Chúng ta phải xem lại vì sao Lịch sử khiến học sinh sợ, rồi chán”.
GS.TS Vũ Minh Giang chỉ ra rằng, tiếp cận nội dung của ngành Giáo dục trong suốt thời gian dài (không riêng gì môn Lịch sử) dạy môn nào cũng cụ thể, khiến cho chương trình luôn quá tải. Lịch sử có nhiều nội dung chi tiết, nên là môn học chịu hệ lụy nặng nhất của phương pháp tiếp cận này. Vì thế, để học sinh thích thú, bớt sợ, khi học môn này không phải nhớ một cách máy móc, thuộc làu những con số như năm tháng, địa danh… những cái đó có thể tra cứu được. Thay vào đó, phải dạy cốt lõi của vấn đề, ý nghĩa sâu sắc của vấn đề. Tiếp theo, cách dạy Lịch sử hơi áp đặt, ví dụ ý nghĩa phải thế này, không thể nói khác. Trong khi đó, Lịch sử là một khoa học, mà khoa học thì khi có tư liệu mới, có phương pháp mới, kết luận cũng có thể khác.
GS. TS Vũ Minh Giang dẫn chứng có rất nhiều người về sau đi làm nghề sử, trở thành giáo sư sử học nói rằng trước kia, trước khi vào ngành sử đã rất sợ đây là ngành mà chỉ học thuộc làu thôi, không biết mình vào nổi không. Sau này mới hiểu rằng không phải như vậy, khi nghiên cứu lịch sử có thể tham gia sáng tạo tri thức mới.
“Khoa học là luôn tìm cái mới, thì lịch sử cũng như vậy. Nên bây giờ cái làm cho lịch sử hấp dẫn, là luôn luôn có thể tìm ra cái mới, học trò có thể nói những điều khác với thầy đã từng nói thì sẽ rất thú vị”, GS.TS Vũ Minh Giang cho biết.
Lý giải về việc môn Lịch sử là môn lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng đã quán triệt đầy đủ các quy định tại Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, Quyết định 404, trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội. Các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học bồi dưỡng những kiến thức về khoa học tự nhiên, rèn luyện tư duy, giúp học sinh có năng lực tiếp cận, hội nhập, làm chủ khoa học - kỹ thuật hiện đại. Các môn khoa học xã hội, nghệ thuật giúp học sinh thông hiểu về đời sống xã hội loài người, hiểu sự phát triển của xã hội loài người, hiểu các quy luật phát triển kinh tế, xã hội, triết lí, tư tưởng, lẽ sống… góp phần bồi dưỡng tâm hồn con người, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn đối với thế hệ trẻ.
Nhấn mạnh với báo chí, Bộ GD&ĐT khẳng định: Sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông, trong tình hình còn nhiều khó khăn về các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện khác, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn Lịch sử.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội hiểu sâu hơn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhận thức đúng, sâu sắc hơn về nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình; trên cơ sở đó tổ chức triển khai hiệu quả, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lịch sử bảo đảm đạt được mục tiêu của chương trình.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD&ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.