Trước lo ngại môn Lịch sử bị ‘xoá sổ', Bộ GD&ĐT nói gì?

Trong những ngày qua, nhiều ý kiến giáo viên, nhà quản lý giáo dục lo ngại về việc đưa môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc THPT sẽ có thể xoá sổ môn học này bởi tình trạng sợ môn Lịch sử ở phổ thông.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự giờ tiết học tại Trường Tiểu học Tiền Phong A, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: MT

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Trong Chương trình này, môn Lịch sử có thế mạnh trong việc giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp học sinh có thể rút ra những bài học trong cuộc sống”.

Theo Thứ trưởng, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong sự sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho từng môn học, môn Lịch sử được bố trí như sau:  

Ở cấp THCS-giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9). Nội dung Chương trình giáo dục phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thuỷ đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn).  

Bên cạnh đó, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho Chương trình địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12.  

“Với các bố trí như vậy môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Dẫn chứng về những căn cứ đưa môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu chương trình Giáo dục phổ thông mới như sau: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng"; “Xây dựng và chuẩn hoá nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn".

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông. Nghị quyết quy định: “Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Ở cấp tiểu học và THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp THPT, yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên để học tập theo hình thức tích luỹ tín chỉ”.  

Trên cơ sở Nghị quyết 88 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 404 ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quyết định cũng quán triệt các yêu cầu nói trên: “Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học, cấp học trên. Ở các lớp học, cấp học dưới thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp. Thực hiện giảm hợp lý số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp THPT, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn”. 

 

Lê Vân/Báo Tin tức
Thi lớp 10 THPT tại Hà Nội: Dự kiến sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao môn Lịch sử
Thi lớp 10 THPT tại Hà Nội: Dự kiến sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao môn Lịch sử

Theo đánh giá của các giáo viên dạy Lịch sử, đề Lịch sử trong kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm 2021 phù hợp với việc học sinh đi học trong bối cảnh dịch COVID-19. Đề có tính phân loại tốt và dự kiến sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN