Sau buổi họp phụ huynh các lớp, một số phụ huynh có con học trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) tỏ ra ngao ngán với các khoản phí được đưa ra. Ngoài tiền học phí hơn 1,6 triệu đồng, phụ huynh còn phải đóng thêm các khoản như tiền nước uống 200.000 đồng/năm; sổ liên lạc điện tử 120.000 đồng/năm; ấn phẩm 50.000 đồng/năm; tập san 130.000 đồng/năm; sách tiếng anh 142.000 đồng/năm; quỹ trường 400.000 đồng/năm; tiền phô tô tài liệu, ủng hộ các câu lạc bộ của trường; tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…
“Ngoài các khoản tiền thông báo chung của nhà trường, tôi còn phải đóng thêm 2 triệu tiền quỹ lớp. Con tôi không học bán trú nhưng tổng các khoản phải đóng cho trường vào đầu năm học mới đã gần 6 triệu đồng. Cũng may nhà có một bé đi học, nếu đông con và với mức đóng như này thì chắc gia đình không có đủ tiền...”, một phụ huynh có con đang học trường Lê Quý Đôn than thở.
Còn chị P.T. H., hiện có con đang học lớp 1 ở quận 2 cũng bức xúc với các khoản tiền đóng đầu năm học học mới. Chị H cho biết: “ Từ đầu năm đến giờ, tôi đã phải đóng hơn 4 triệu đồng. Trong đó, tôi thấy có nhiều khoản thu không hợp lý và cũng không cần hỏi phụ huynh xem có cần thiết không, như tiền mua báo Nhi đồng hơn 200.000 đồng năm; tiền bao bì sách vở do thầy cô bao giùm…”.
Tại nhóm Con đi tiểu học trên facebook, vấn đề các khoản phí đầu năm học mới cũng được bàn luận "rôm rả. Theo chia sẻ một số phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, ai cũng tỏ ra “ngao ngán” với các khoản thu đầu năm. Chị B. N có con học một trường tiểu học quận 12 bức xúc nói: “Đầu năm lớp 1 thôi mà đóng quá trời tiền. Ngoài các khoản đóng được nhà trường thôn báo hơn 3 triệu đồng thì còn phải tốn thêm tiền mua bộ sách giáo khoa lớp 1 và một bộ dụng cụ theo nhà trường là 350.000 đồng, được mua riêng trên văn phòng trường. Tiếp tục khi nhập học lại đóng thêm hơn 400.000 đồng bộ sách tiếng Anh song ngữ, chưa kể tiền quỹ lớp, quỹ phụ huynh; tiền đồng phục… Tính sơ sơ cũng hết hơn 5 triệu đồng”.
Phụ huynh có con học lớp 1 tại một trường tiểu học quận Bình Thạnh, cho biết hiện chưa có thông báo khoản phí đầu năm học, nhưng trước khi cho con học anh văn tích hợp, phụ huynh đã đóng trước một phần học phí theo quy định, được chia làm 3 kỳ/năm học, mỗi kỳ là 10,8 triệu đồng... Một khoản tạm thu 300.000 đồng, trong đó tiền quỹ tạm là 200 ngàn đồng để mua giấy dán tường, mua rèm mới cho lớp; 100.000 đồng để cô photo giấy tờ. Với lớp chưa có máy lạnh, các phụ huynh cũng tạm đóng ứng trước 500.000 đồng để trang bị cho lớp.
Trước những vấn đề lạm thu vào đầu năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn về các khoản thu đầu năm học mới 2019 - 2020. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các trường phải công khai các khoản thu, tuyệt đối không được giao cho giáo viên thu, chi tiền.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết các khoản thu thỏa thuận phải được thống nhất với phụ huynh trước khi thực hiện, khi thu phải cấp hóa đơn cho từng học sinh và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định. Cùng với đó, phải giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm.
Bên cạnh đó, Sở cũng nghiêm cấm các trường lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Không thu các khoản như bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các đơn vị quản lý tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo phân cấp quản lý và xử lý nghiêm đối với những trường hợp lạm thu trong nhà trường.