Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Thanh (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) chia sẻ: Do ảnh hưởng bởi mưa lũ nên ngày 5/9, nhà trường chưa tổ chức được lễ khai giảng năm học mới. Lễ khai giảng hôm nay được tổ chức tuy ngắn gọn nhưng vẫn tạo được không khí hứng khởi, trang nghiêm cho giáo viên và học sinh trước thềm năm học 2019-2020.
Tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê - nơi được coi là “rốn lũ” của tỉnh Hà Tĩnh, sáng 9/9 mặc dù đường đến trường vẫn còn chìm trong bùn lầy nhưng tiếng trống khai giảng vẫn được gióng lên tại trường Tiểu học Phương Mỹ. Dù con đường đến trường còn nhiều vất vả nhưng không vì thế mà làm giảm đi sự háo hức của các em học sinh.
Trong nhiều ngày qua, xã Phương Mỹ bị nước lũ cô lập, các con đường đều ngập sâu từ 4-7m. Đến sáng 9/9, khi nước lũ bắt đầu rút, thầy trò và phụ huynh, học sinh đều đến sớm để dọn dẹp chuẩn bị cho năm học mới. Lễ khai giảng của thầy và trò trường Tiểu học Phương Mỹ vì vậy mà diễn ra muộn, hơn 9 giờ mới bắt đầu.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh hiện vẫn còn 14 trường với hơn 3.500 giáo viên, học sinh ở các huyện Hương Khê và Vũ Quang chưa thể triển khai việc dạy và học do nước lũ rút chậm, nhiều tuyến đường đến trường còn bị chia cắt hoặc một số trường học chưa hoàn thành việc vệ sinh trường lớp. Việc dạy và học bù sẽ được các trường chủ động bố trí trong thời gian hợp lý để đảm bảo khung thời gian, kế hoạch của năm học.
* Cũng trong sáng ngày 9/9, các em học sinh vùng lũ Quảng Bình đã hân hoan đến trường dự Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 ngay sau mưa lũ.
Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lũ, hơn 200 trường học với trên 90.000 học sinh vùng lũ Quảng Bình phải tạm hoãn Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 so với cả nước (5/9). Sau khi nước rút, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đã được các trường học tích cực triển khai và cơ bản hoàn thiện.
Thầy giáo Lê Hải Châu, Phó hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết: Trận lũ vừa qua đã khiến toàn bộ 3 dãy nhà hai tầng của trường ngập sâu gần 1,5m. Sau một tuần phải nghỉ học và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, sáng nay nhà trường tổ chức Lễ khai giảng chu đáo cho các em học sinh.
Sau khi dọn dẹp cơ bản nhà cửa sau trận lụt, các bậc phụ huynh ở vùng lũ xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, thu xếp công việc đưa con tới dự Lễ khai giảng từ sáng sớm. Ông Hoàng Nga, phụ huynh một học sinh Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) cho hay: Ngày 5/9, khi học sinh cả nước nô nức ngày tựu trường thì học sinh vùng lũ Quảng Bình phải cùng bố mẹ chống chịu với mưa lũ. Để con không bị thiệt thòi, sáng nay gia đình đã dậy sớm chuẩn bị cặp sách, đồng phục mới cho con và đưa con đến trường. Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ rất vất vả, nhưng trường tổ chức Lễ khai giảng chu đáo khiến phụ huynh và học sinh phấn chấn và hân hoan.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 9/9, toàn tỉnh vẫn còn 36 trường học với hơn 8.600 học sinh chưa thể tiến hành Lễ khai giảng và trở lại trường để dạy, học. Trong đó, có 3 trường gồm Trung học Cơ sở, Tiểu học và trường Mầm non tại vùng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa; Trường mầm non Phù Hóa, huyện Quảng Trạch và 32 trường học ở huyện Tuyên Hóa. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các trường, đơn vị trực thuộc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ và theo kế hoạch đến ngày 11/9 sẽ hoàn thành việc tổ chức Lễ khai giảng năm học mới, trở lại dạy học bình thường.
Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, hiện nay mặc dù nước đã rút nhưng lượng bùn đất bám dày, nước vẫn đọng ở nhiều nơi, các vật dụng dạy học, bàn ghế, phòng học của các trường hiện chưa dọn dẹp xong. “Chúng tôi đã chỉ đạo, huy động lực lượng tình nguyện viên, các đoàn viên thanh niên và các lực lượng vũ trang nhân dân về khắc phục hậu quả với bà con. Vì địa bàn vùng núi thấp trũng, giao thông đi lại khó khăn nên công tác ứng cứu, hỗ trợ cũng gặp nhiều trở ngại. Chúng tôi cố gắng đến thứ Tư (ngày 11/9) mọi công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các trường học sẽ hoàn thành để tổ chức Lễ khai giảng và sớm ổn định công tác dạy và học”, ông Bùi Anh Tuấn cho biết thêm.
Trận lũ vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành Giáo dục địa phương. Trong đó, đã làm trên 380 phòng học, 15 phòng nhà nội trú bị ngập nước, hư hỏng; 2 phòng học, nhà thư viện bị tốc mái; 1 nhà bán trú học sinh bị sạt lở, hư hỏng nặng; trên 500 bộ bàn ghế bị ngập nước, hư hỏng. Bên cạnh đó, nhiều công trình vệ sinh, hàng rào, nhà xe, hệ thống điện nước... bị sập và hư hỏng; phần lớn sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi, bàn ghế của học sinh vùng ngập sâu bị ướt, hư hỏng hoàn toàn... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 15 tỷ đồng.