Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương đối với công tác giáo dục trên địa bàn, nhất là đổi mới trong giáo dục. Kết quả thi Trung học Phổ thông, giáo dục mũi nhọn đều đạt thứ hạng cao trong cả nước. Tỉnh đã triển khai khá tốt hệ thống giáo dục đào tạo ngoài công lập. Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần kiểm tra để đánh giá mức độ hoàn thành, hiệu quả các cơ chế chính sách mà tỉnh đã ban hành về giáo dục, đào tạo để triển khai thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới và mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, đào tạo.
Đối với giáo dục phổ thông, năm 2023 là năm nằm trong lộ trình đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cần đánh giá lại việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và tăng cường đổi mới tốt hơn nữa theo đúng chỉ đạo của Bộ. Tỉnh cần đầu tư thêm nguồn lực tài chính cho giáo dục, trang bị thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, lớp học. Tỉnh cần có giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, có chế độ ưu đãi để giữ chân và thu hút đội ngũ giáo viên; tạo điều kiện tốt nhất cho việc xã hội hóa giáo dục, phát triển thêm các trường tư thục, ngoài công lập để giảm tải cho hệ thống đào tạo công lập, học sinh có thêm nhiều sự lựa chọn để học tập.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý Hải Dương trong việc lựa chọn sách giáo khoa, đảm bảo công khai, minh bạch. Các trường đại học trên địa bàn tỉnh cần có kế hoạch cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực, nguồn giáo viên chất lượng cao; mở thêm các ngành đào tạo mới về mỹ thuật, nghệ thuật. Đặc biệt, ngành đào tạo sư phạm cần chủ động trang bị kỹ năng, hiểu biết để phát hiện, hỗ trợ, xử lý tình huống khi bạo lực học đường chưa phát sinh. “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ về tài liệu và bồi dưỡng thêm cho các trường đại học về phòng, chống bạo lực học đường”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sắp tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tỉnh cần đảm bảo cơ sở vật chất đầy đủ; ưu tiên cấp điện cho các điểm thi và chuẩn bị sẵn sàng các phương án khi có bất thường về thời tiết. Công tác in sao đề, vận chuyển tránh để xảy ra nhầm lẫn, sai sót.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng khẳng định, Hải Dương luôn xác định giáo dục, đào tạo là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ xem xét Đề án về giáo dục, đào tạo của tỉnh và sẽ sớm ban hành nghị quyết để có cơ chế đào tạo, thu hút đội ngũ giáo viên. Bí thư Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong giáo dục, đào tạo của tỉnh; nâng cao đời sống cho đội ngũ giáo viên; đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường học và đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông diễn ra an toàn.
Theo ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 842 trường mầm non, phổ thông (779 trường công lập, 63 trường tư thục). Ngoài ra, tỉnh có một trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Ngoại ngữ - Tin học tỉnh, 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, phối hợp cùng mạng lưới các trường phổ thông thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của nhân dân.
Trong năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có một trường Trung cấp và 4 trường Cao đẳng nghề tham gia đào tạo 3.244 học viên với quy mô 78 lớp. Địa bàn tỉnh hiện có 4 trường Đại học và một cơ sở đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Trong số 4 trường Đại học, có 3 trường do Trung ương quản lý (gồm Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học Sao Đỏ, Đại học Thành Đông) và một trường trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh là Đại học Hải Dương.
Điểm trung bình thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông của tỉnh Hải Dương có chuyển biến tích cực; năm học 2021-2022 đứng trong top 15 toàn quốc. Về giáo dục mũi nhọn, các năm học từ 2020 - 2021 đến 2022 - 2023, các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh đã đoạt được 234 giải, về tổng số giải nằm trong 6 đơn vị dẫn đầu toàn quốc. Đối với giải quốc tế và khu vực, năm 2021, học sinh Hải Dương đoạt một huy chương Vàng quốc tế môn Hóa học và một huy chương Bạc môn Tin học khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đội ngũ giáo viên của tỉnh còn thiếu nhiều. Theo đó, bậc mầm non chỉ đạt 2,0 giáo viên/lớp (của Bộ là 2, giáo viên/lớp); Tiểu học là 1,43 giáo viên/lớp (của Bộ là 1,5 giáo viên/lớp); Trung học Cơ sở là 1,72 giáo viên/lớp (của Bộ là 1,9 giáo viên/lớp); Trung học Phổ thông là 2,03 giáo viên/lớp (của Bộ là 2,25 giáo viên/lớp).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra một số hạn chế của Hải Dương trong giáo dục và đào tạo như: mất cân đối giữa giáo dục công lập và tư thục; tỷ lệ sinh viên của các trường đại học trên địa bàn còn thấp; trình độ Tiến sỹ của các giảng viên ở các trường đại học thấp hơn so với bình quân chung của cả nước…