Thông tin tin cậy
Cô Nguyễn Thị Hồng, trợ lý Thanh niên trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, với những giáo viên như cô, việc tiếp cận thông tin trên các phương tiện truyền thông là rất cần thiết và phải thường xuyên để có thể kịp thời nắm bắt nội dung, thông tin phục vụ thêm cho công tác giảng dạy và giáo dục học sinh của mình. "Từ lâu, báo Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam đã là một người bạn tin cậy để tôi cập nhật thông tin thời sự hàng ngày. Bởi trước sự “náo nhiệt” của làng báo, tôi luôn tin tưởng lựa chọn báo Tin tức để chuyển cho học sinh, phụ huynh tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, khách quan, chính xác", cô Nguyễn Thị Hồng nói.
“Tôi thấy báo Tin tức là tờ báo uy tín, cơ quan ngôn luận của Chính phủ, thông tin chính thống, kịp thời cũng như đội ngũ phóng viên, biên tập viên dày dặn kinh nghiệm, phân tích sâu sắc các vấn đề... Đặc biệt, tính chính xác của báo Tin tức cao nên khi cần kiểm chứng các thông tin mà tôi nghi ngờ tôi sẽ lên tìm thông tin trên báo Tin tức”.
Theo cô Nguyễn Thị Hồng, ngày nay, công nghệ thông tin khá phát triển và giới trẻ ứng dụng công nghệ khá nhanh, vì vậy báo Tin tức cần có những giải pháp trong cách "chuyển hóa" nguồn thông tin để tăng tính trải nghiệm cho độc giả. Hiện nay, giữa môi trường truyền thông hiện đại, đòi hỏi phải có những sản phẩm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và một tác phẩm báo chí bao gồm cả chữ viết, video, ảnh động, file âm thanh, đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới sẽ thu hút độc giả trẻ. "Để không bị tụt hậu, bỏ lại phía sau, tôi thấy báo Tin tức đã kịp thời chuyển mình cho phù hợp với xu thế và có nhiều phương thức chuyển tải hiện đại, việc tiếp cận thông tin cho độc giả càng dễ dàng nhanh chóng hơn", cô Nguyễn Thị Hồng nhận xét.
“Tôi dạy môn Giáo dục công dân và quản lý Đoàn Thanh niên, thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng như giáo dục kỹ năng và làm công tác truyền thông tại trường nên thường xuyên lựa chọn những thông tin từ báo Tin tức; những bài viết, bài phân tích sâu sắc của báo để làm tư liệu truyền tải cho học sinh, hướng học sinh tiếp cận thông tin từ báo. Cũng vì làm mảng giáo dục nên tôi thường xuyên theo dõi các mục, tuy nhiên quan tâm nhất vẫn là chuyên mục Giáo dục, đặc biệt là mục “Bàn tròn giáo dục”. Tôi tiếp nhận thông tin khá nhiều và có chiều sâu từ những bài phân tích của anh chị phóng viên, chuyên gia để có cái nhìn đa chiều, giúp các thầy cô giáo hiểu được nhiều vấn đề của ngành giáo dục và ứng dụng vào công cuộc dạy và học hiệu quả nhất”, cô Hồng cho biết.
Thay đổi cách thức truyền đạt
Là cô giáo mầm non và là nhà quản lý, cô Đinh Thị Xuân Châu, Hiệu trưởng trường Mầm non Phước Long B (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, vai trò và ảnh hưởng của báo Tin tức đến hoạt động giáo dục là hết sức to lớn như: báo chí đã tham gia chủ động trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách... những ý tưởng và quyết định trong công tác đổi mới của ngành Giáo dục và đào tạo cũng như các cơ quan liên quan khác. Từ đó giúp học sinh, phụ huynh, cán bộ quản lý và cả giáo viên hiểu đúng, hiểu rõ về các chính sách, về những điều chỉnh trong chương trình đào tạo cũng như công tác quản lý các mặt... tạo đồng thuận và có kế hoạch, phương pháp phù hợp chuẩn bị tốt nhất cho việc học và việc dạy.
"Báo chí nói chung và báo Tin tức nói riêng còn là diễn đàn trao đổi tích cực, các quan điểm về giáo dục được thể hiện cởi mở để thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục thể hiện quan điểm của mình, đóng góp vào nhận thức chung và hiểu rõ mong muốn, nguyện vọng của xã hội với ngành giáo dục, từ đó có những điều chỉnh trong hành vi, quyết sách phù hợp cho công việc", cô Đinh Thị Xuân Châu cho biết.
Theo cô Đinh Thị Xuân Châu, báo Tin tức có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Qua đó, các thầy cô được biết đến những mô hình giáo dục và phương pháp giảng dạy tiên tiến đang được áp dụng cả trong và ngoài nước. Từ đó, mỗi thầy cô đều có thể rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích để hoàn thiện hơn công tác giảng dạy của mình. Những câu chuyện giáo dục được chia sẻ trên báo Tin tức đôi khi cũng là những tình huống sư phạm mà các thầy cô có thể đã hoặc sẽ gặp trong thực tế và nhờ đó mà có sự chủ động, tích cực trong ứng xử với học trò, với phụ huynh để đạt được hiệu quả giáo dục như mong muốn.
Ngoài ra, những tấm gương, những câu chuyện tích cực trong xã hội trên báo chí cũng là nguồn tư liệu quý mà các thầy cô có thể chọn lọc để dẫn chứng, minh họa trong quá trình giảng dạy, gắn việc học với những hiện thực đời sống; điều đó sẽ tác động tốt đến nhận thức, tình cảm và tinh thần, gợi mở những suy nghĩ tích cực cho học trò theo cách dễ tiếp nhận và có tính thuyết phục cao hơn những thứ mô phạm, giáo điều có trong sách vở kiểu xưa cũ đã bị lạc hậu. Đặc biệt, bằng việc thường xuyên cập nhật các thông tin về đời sống, phong cách sống của giới trẻ mà báo Tin tức đã phản ánh, các thầy cô có thể hiểu được tâm tư, tình cảm và "ngôn ngữ" của học trò mình để kịp thời có những điều chỉnh cho tốt nhất.
“Là người đọc báo Tin tức đã lâu, tôi tin tưởng và mong muốn rằng với sự tích cực học hỏi của đội ngũ cán bộ và phóng viên của báo Tin tức, với những bài học, kinh nghiệm đã có được trong 40 năm phát triển sẽ là nhân tố và tiền đề để báo Tin tức có một hành trình đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn nữa trong công cuộc đổi mới giáo dục, nắm bắt và phản ánh kịp thời những thông tin về giáo dục, nhất là việc đổi mới căn bản và toàn diện, ngày càng được bạn đọc tin tưởng, yêu mến hơn”, cô Xuân Châu nói.
Tăng kết nối, giao tiếp
Là một người trẻ thích đọc báo Tin tức, bạn Phạm Thuỳ Nguyên, ngụ ở Quận 4 (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ngày nay, độc giả trẻ cũng nhìn nhận tin tức là những gì "cần nên biết, những điều hữu ích khi biết, những điều thú vị khi biết và cảm thấy vui khi biết". Đặc biệt, đối với các bạn sinh viên, học sinh, khái niệm “trung thành với thương hiệu” không bền chặt, cố định. Bởi độc giả trẻ sẽ đổi sang tờ báo khác ngay nếu họ không hài lòng về bất kỳ vấn đề gì, từ việc nội dung thông tin sai đến chất lượng app (ứng dụng) của tờ báo chạy chậm, hay các hình ảnh, video đăng trên trang báo điện tử có chất lượng kém…
Vì vậy, dù là thế hệ độc giả thích đọc nhanh, ứng dụng công nghệ tốt nhưng phần lớn người trẻ không hời hợt - như cách mà nhiều người vẫn hay hiểu nhầm. Mà thực tế, độc giả trẻ đang buộc các tờ báo phải quan tâm sâu sắc hơn đến nội dung các bài báo, dù ngắn hay dài, để làm sao nội dung phải chính xác và không có lỗi.
“Về lâu dài, báo Tin tức muốn giữ chân được độc giả trẻ - một thế hệ rất đa dạng, năng động và hiểu biết về công nghệ, thì nội dung của báo đặc sắc, đa dạng, phong phú thôi vẫn chưa đủ. Vì vậy, báo Tin tức cần có cách thể hiện, trình bày phù hợp với hành vi, thói quen của giới trẻ để khi độc giả nhìn thấy tờ báo là thích thú và muốn đọc ngay”, bạn Thùy Nguyên đề xuất.
Cũng theo bạn Thùy Nguyên, để tăng tính trải nghiệm, thay đổi cách thể hiện cho độc giả yêu thích, báo Tin tức cần quan tâm đến việc kết nối, giao tiếp giữa độc giả. Vừa qua, dù các sinh viên, học sinh thích xem thông tin bằng hình ảnh, nhưng sự thống trị của ti vi từ lâu đã bị đe dọa bởi những nền tảng online như Youtube - nơi người xem không chỉ có thể lựa chọn chính xác những gì mình muốn xem, mà còn luôn có thể bình luận và tương tác. Một khi cơ quan báo chí nào xây dựng được các cách kết nối với độc giả trẻ đều cho thấy họ có nhiều độc giả trung thành hoặc độc giả đăng ký hơn.