Giám sát thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo tại tỉnh Quảng Nam

Ngày 25/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chú thích ảnh
Bà Bùi Thị Thanh nghe báo cáo tại buổi giám sát.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Trong 5 năm qua, các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ sự cần thiết cũng như nội dung, yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hệ thống trường, lớp từ mầm non đến phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch, đầu tư, phát triển. Mô hình trường, lớp bậc học mầm non tư thục phát triển mạnh. 

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 824 trường học các cấp, tăng 22 trường so với năm học 2012-2013; có 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 134 trung tâm học tập cộng đồng; 14 trung tâm tin học - ngoại ngữ và 14 cơ sở tin học - ngoại ngữ. Toàn tỉnh có 2 trường đại học, 1 Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam, 7 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp. 

Theo ông Lê Văn Thanh, hình thức đào tạo chính quy và không chính quy đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia tăng nhanh, đạt kết quả cao, tích cực góp phần thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.  

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện phân cấp quản lý giáo dục hiện nay chưa hiệu quả và thống nhất giữa các địa phương. Việc xây dựng xã hội học tập còn nhiều lúng túng; hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường thị trấn sau khi sáp nhập với Trung tâm văn hóa thể thao hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa thỏa đáng, bất hợp lý so với nhu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo; đời sống của không ít viên chức còn gặp khó khăn, nhất là đối với nhà giáo trẻ trước yêu cầu đào tạo nâng cao trình độ. Cùng với đó, cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư phát triển giáo dục đào tạo; chưa có chính sách thu hút sinh viên, giáo viên giỏi vào công tác ở các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng đoàn Giám sát, đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như những mặt hạn chế để tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng nhu cầu xã hội trong giai đoạn phát triển mới.

Tin, ảnh: Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp hướng tới nhu cầu của thị trường lao động
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp hướng tới nhu cầu của thị trường lao động

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sớm chuyển đổi theo hướng dạy nhiều về kỹ năng thực hành nghề để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN