Chiều 21/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tỏ ra rất trăn trở về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội. Ảnh: HD
|
Đại biểu Phương chia sẻ: Khi thí điểm đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa phải triển khai ở cả trường miền núi, trường đồng bằng và thành phố, có tổng kết trước rồi sau đó mới triển khai đồng bộ. Thời gian qua, chương trình chỉ thí điểm ở thành phố, giáo viên, địa điểm đều được chọn nên đã được đánh giá tốt. Tuy nhiên, cần đề phòng khi nhân rộng ra thì có thể "bể trận".
"Hai mấu chốt khi cải cách là giáo viên và cơ sở vật chất. Với giáo viên, phải đào tạo lại chứ không chỉ bồi dưỡng. Cơ sở vật chất của ngành giáo dục nhiều nơi hiện rất kém. Có trường chuẩn Quốc gia mà mùa hè không dám tưới cây vì... sợ tốn tiền điện, nước. Vừa rồi báo chí phản ánh một số trường lạm thu cũng chỉ đúng một phần. Nhiều trường không có tiền nên buộc phải thu thêm tiền cho nhà gửi xe, nhà vệ sinh, sân nền, tường rào bị sập sau mưa bão", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.
Theo đại biểu Phương, không chỉ lùi chương trình đổi mới giáo dục lại 1 năm mà cần tính lùi lại nhiều năm để chuẩn bị thật kỹ càng. Phải có đủ 4 yếu tố. Thứ nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên. Thứ hai là chất lượng, nội dung và chương trình sách. Thứ ba là chuẩn bị về cơ sở vật chất. Thứ tư là rút ra những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo. Có như vậy mới thành công.
"Nhiều chương trình đổi mới giáo dục trước đây có mục đích tốt, động cơ tốt, nhưng hiệu quả thấp. Bản thân tôi từng làm giáo dục, tiếp cận cải cách giáo dục từ những năm 80. Sau đó tôi chuyển ngành, nhưng vẫn theo việc dõi cải cách giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) liên tục cải cách, thay sách giáo khoa khiến phụ huynh phàn nàn, học sinh bức xúc, người dân mất niềm tin", ông Phương chia sẻ.
Đại biểu dẫn chứng mô hình trường học mới VNEN, đây cũng là một nội dung của cái cách giáo dục. Đại biểu đánh giá đây là chương trình hiệu quả thấp, không mang lại niềm tin cho người dân và đại biểu Quốc hội. Không thể đổ lỗi cho cơ sở giáo dục thực hiện, mà cần xem lại việc thí điểm. Nếu đưa chương trình tiên tiến mà chưa cách giảng dạy vẫn theo lối cũ, đội ngũ giáo viên chưa tiếp cận được thì hiệu quả khó cao.
"Đổi mới giáo dục là rất cần thiết, đáp ứng đúng tinh thần của Đảng. Chất lượng, môi trường giáo dục của ta so với các nước còn hạn chế. Chúng ta có trên 200 trường đại học mà chưa có trường nào xứng tầm quốc tế. Trong phát triển kinh tế, đổi mới đất nước thì nguồn nhân lực rất quan trọng. Nhưng bài học nhiều năm về đổi mới giáo dục chưa thành công có nguyên nhân do nóng vội, thiếu rà soát, thiếu tính toán và thiếu đồng bộ", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chốt lại.
Lộ trình cụ thể đối với từng lớp như sau: Năm học 2019 - 2020: Lớp 1; Năm học 2020 - 2021: Lớp 2 và lớp 6; Năm học 2021 - 2022: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2022 - 2023: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2023 - 2024: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Theo lộ trình cũ tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 là: Năm học 2018 - 2019 áp dụng với lớp 1, 6, 10; Năm học 2019 - 2020 thực hiện với lớp 2, 7 và 11; Năm học 2020 - 2021 với lớp 3, 8 và 12; Năm học 2021 - 2022 lớp 4 và lớp 9; Năm học 2022 - 2023 với lớp 5.