Điểm sàn không thấp hơn mọi năm

Kết thúc 2 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ với báo chí nhiều vấn đề trong và “hậu” kỳ tuyển sinh này.

Thưa Thứ trưởng, đề thi trong hai đợt thi đại học vừa qua được đánh giá là có khả năng phân loại cao, nhiều nội dung không quá khó. Mức độ đề thi như vậy liệu có khiến Bộ phải điều chỉnh mức điểm sàn?

Mục tiêu là làm sao đầu vào các trường rộng hơn, phù hợp với điều kiện tuyển sinh ngành nghề đào tạo của từng trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011

Chủ trương của Bộ GD – ĐT quán triệt với tổ ra đề là: Đề thi đại học không quá khó, không quá phức tạp, không đánh đố và có tính phân loại cao. Đề như vậy sẽ cho kết quả phổ điểm hợp lý. Có thể số lượng thí sinh đạt điểm 9,5 – 10 hoặc điểm yếu ít nhưng số lượng thí sinh đạt điểm trung bình sẽ cao hơn. Mục tiêu là làm sao đầu vào các trường rộng hơn, phù hợp với điều kiện tuyển sinh ngành nghề đào tạo của từng trường. Vừa qua, tôi cũng đã nhận được những thông tin và xem qua các phương tiện truyền thông, dư luận và thí sinh đã đánh giá đề thi của hai đợt thi có tính phân loại cao. Như vậy, điểm tuyệt đối giảm đi, số điểm thấp giảm nhưng điểm trung bình tăng lên. Hy vọng như vậy, nhiều thí sinh sẽ có tổng điểm ba môn là 15 - 16 điểm. Có nghĩa điểm sàn năm nay không thấp hơn so với mọi năm. Đây mới chỉ là dự đoán. Bởi kết quả điểm sàn chính thức sẽ được Hội đồng điểm sàn thảo luận sau khi đã có đầy đủ thông số các trường chấm thi báo về.

Về những sự cố kỹ thuật xảy ra trong quá trình thực hiện tuyển sinh. Bộ đã rút ra điều gì từ sự cố này, thưa Thứ trưởng?

Các thí sinh trao đổi sau giờ thi môn tiếng Anh tại hội đồng thi trường Đại học Ngoại Thương (cơ sở 2) TP.HCM. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Về việc giám thị ký nhầm vào ô giám khảo trong bài thi của thí sinh hoặc nhầm mã đề thi trắc nghiệm, trên thực tế, Bộ đã tập huấn rất kỹ, rất nhiều giám thị sau khi được tập huấn không đạt đã bị loại.

Việc ký nhầm không phải bây giờ mới có. Quan trọng là khi xảy ra như vậy thì phải xử lý như thế nào. Trường hợp vừa qua, tại điểm thi trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin đã không báo cáo và tỏ ra lúng túng, không xử lý kịp thời, chưa có kinh nghiệm. Dù có tập huấn đến mấy nhưng gặp phải giám thị hời hợt thì sự cố vẫn xảy ra. Rút kinh nghiệm đợt 1, đợt 2 Bộ GD – ĐT đã quán triệt rõ ràng, vì vậy, trong đợt 2 này không để bất kỳ một sự cố tương tự nào xảy ra. Nếu có tình huống bất thường, cán bộ coi thi không được tự xử lý mà phải báo cáo ngay về Ban chỉ đạo để có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi thí sinh.

Trong hai đợt thi đại học, dù đã nhắc nhở rất nhiều về việc vi phạm quy chế thi nhưng các thí sinh vẫn tái diễn, thậm chí số lượng còn tăng hơn so với hai đợt thi năm ngoái. Thứ trưởng bình luận về hiện tượng này?

Rất nhiều thí sinh đợt 2 vẫn mang tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi và ngay lập tức bị đình chỉ thi. Đây là sự việc đáng tiếc cho thí sinh. Năm nay, Bộ đã mở rộng cánh cửa với thí sinh trúng tuyển hơn như đối với NV2, NV3, thí sinh được rút ra nhiều lần. Đạt mức điểm trên điểm sàn, thí sinh có thể tìm được chỗ học thích hợp. Nhưng với hành vi đem tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi, các em đã mất cơ hội vào đại học. Tôi khuyến cáo các em trong đợt thi cao đẳng tới là phải hết sức cẩn thận không để vi phạm kỷ luật trường thi.

Thưa Thứ trưởng, sau hai đợt thi này, Bộ GD – ĐT có tính đến phương án đổi mới trong tuyển sinh?

Nghị quyết 11 của Quốc hội về việc Đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục, trong đó có việc đổi mới thi cử giáo dục ĐH. Tuy nhiên, việc đổi mới ở giáo dục ĐH phải được thực hiện từ việc đổi mới cách học và thi ở bậc phổ thông. Nếu chỉ đổi mới ở ĐH không thôi sẽ không hiệu quả. Dự kiến từ nay đến năm 2015 sẽ hình thành một phương án cụ thể về đổi mới trong thi cử ĐH. Lộ trình từ nay đến năm 2015 sẽ được Bộ GD – ĐT từng bước công bố cụ thể nhằm tiến tới một kỳ thi gọn nhẹ hơn, không gây áp lực.

Hiện nay, mỗi năm có khoảng 2 triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu thí sinh đến trường, trong khi chỉ tiêu là khoảng 550.000 chỉ tiêu. Như vậy, nhu cầu học ĐH rất cao. Trong thời gian tới mạng lưới giáo dục ĐH sẽ mở rộng. Dự kiến, đến năm 2020 có khoảng 4 triệu sinh viên. Nghĩa là mỗi năm tuyển khoảng 1 triệu sinh viên. Dự kiến mỗi năm có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp phổ thông. Như vậy, đa số học sinh tốt nghiệp phổ thông đều có thể học ĐH được. Vì vậy, áp lực về thi ĐH không còn mà chỉ còn áp lực tại những trường ĐH mà thôi. Cụ thể là những ĐH nghiên cứu tầm cao, đào tạo tinh hoa. Và thời điểm đó sẽ dứt điểm được vấn đề tuyển sinh như hiện nay.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Lê Vân (ghi)

Kết thúc hai đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011: Cơ hội trúng tuyển cao hơn
Kết thúc hai đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011: Cơ hội trúng tuyển cao hơn

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2011 thì hai đợt thi đại học hệ chính quy đã diễn ra trong trật tự, an toàn, những sự cố được kịp thời xử lý. Đề thi được dư luận xã hội đánh giá có tính phân loại cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN