Tiết học môn Sinh của lớp 7A6 khá yên ắng, chỉ có tiếng giáo viên say sưa giảng bài và những đôi mắt chăm chú dõi theo từng hình ảnh phát ra từ chiếc máy chiếu. Nhưng khi bước sang phần thực hành, không khí hoàn toàn khác với sự phóng khoáng, cởi mở vang tiếng vui đùa giữa cô và trò, cùng trao đổi phân tích những mẫu vật qua kính hiển vi một cách sinh động nhất. Tiết học của cô giáo Vũ Bích Phương, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn kết thúc trong sự háo hức và mong chờ đến tiết học tiếp theo của học sinh.
Năm học 2013 - 2014, khi vừa tròn 24 tuổi, cô Vũ Bích Phương về dạy tại trường Dịch Vọng và cũng chỉ hai năm cô đã được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp. Đối với cô Vũ Bích Phương, việc học sinh thu nhận được bao nhiêu kiến thức qua từng buổi học là thể hiện sự tập trung tiếp thu, chăm chú nghe giảng và hứng thú với nó. Để làm được điều đó, các học sinh không phải chỉ ngồi trên lớp, học các kiến thức trong sách vở mà còn được cô chủ nhiệm lấy ví dụ minh họa, ứng với từng môn học để các em tự đào sâu suy nghĩ, từ đó phát triển ý và sáng tạo hơn qua mỗi bài giảng.
Mặc dù là giáo viên dạy môn Sinh học nhưng khi nhận thấy học sinh lớp mình làm chủ nhiệm bị yếu môn học nào, cô Phương liền tìm hiểu lý do, rồi tự giảng bài cũng như kết nối với các giáo viên bộ môn khác để bổ sung kiến thức cho học sinh. Chính vì vậy, có rất nhiều học sinh khi được hỏi đều cho biết cảm nhận rằng cô giáo Phương không những có kiến thức nhiều bộ môn mà còn giảng dạy giỏi, dễ tiếp thu.
“Tôi không thể ngừng suy nghĩ khi thấy học trò của mình đuối hoặc mất căn bản ở bất kỳ môn học nào. Mọi vấn đề tôi đều đem ra mổ xẻ để tìm nguyên nhân từ cả hai phía giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, để khắc phục, tôi luôn yêu cầu sự vào cuộc tự giác của học sinh bằng cách đưa ra những giải pháp khơi dậy sự hứng khởi đối với môn học”, cô Bích Phương chia sẻ.
Mọi kiến thức tưởng chừng khô khan, khó nhằn trong sách vở luôn được cô Phương đưa đến gần hơn với học sinh bằng những minh họa thường gặp trong cuộc sống. Từ đó, học sinh nhận thức được cần phải học kỹ những kiến thức căn bản để hiểu hơn và có thể tự giải thích về những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống đời thường.
Không chỉ là những hiện tượng vật lý như tại sao tóc lại mềm khi dùng dầu xả, tại sao nắm bọt biển lại tung bay khi mở bàn tay ra, học sinh của cô Phương còn được tiếp cận những kiến thức về quản lý tiền, đầu tư sao cho có lợi khi thực hiện một số dự án. Học sinh triển khai và tự chịu trách nhiệm với công việc được giao và với mỗi bài học sát thực tế như vậy, các học sinh trưởng thành hơn, biết cân đối và phát huy khả năng, sở trường của mình. Cũng từ những bài học thực tế đó, cô Phương đã nhìn ra được những khả năng của từng học sinh và điều chỉnh phương pháp dạy, rèn luyện phù hợp.
Để quản lý giáo dục học sinh được sát sao và hiệu quả, năm học 2015 - 2016, ngay năm đầu tiên đảm nhận công tác chủ nhiệm, cô Vũ Bích Phương đã ứng dụng thành công phần mềm MS One note. One note được hiểu như một quyển sổ online. Nếu như gửi mail sẽ thường bị lẫn, khó tìm kiếm hoặc trên Zalo sẽ bị trôi thông tin thì trên One note, cùng một lúc sẽ có nhiều người làm được mà không bị lẫn. Một ưu điểm của One note chính là giáo viên có thể kiểm soát được chính xác thời gian và đối tượng đưa thông tin lên.
“Đây là một dạng sổ liên lạc online, mỗi môn sẽ do một cán sự lớp quản lý, đưa thông tin lên. Các phụ huynh có thể truy cập và xem bài tập, hướng dẫn làm bài của các môn học, từ đó quản lý, nắm bắt và phối hợp tốt hơn với giáo viên để kèm cặp con mình khi ở nhà. Việc này giúp ích rất nhiều cho các học sinh yếu, kém và học sinh học hòa nhập”, cô Phương cho biết.
Bà Lê Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng cho biết, khi mời chuyên gia về tập huấn giáo trình phần mềm One note, có khá đông giáo viên của các trường cùng tham gia nhưng về sau chỉ còn lại cô Phương tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và đạt được nhiều thành công, hỗ trợ tích cực cho công tác chủ nhiệm của mình.
Điều đặc biệt ở cô Phương chính là sự khao khát học tập. Để thành thạo hơn trong công việc chuyên môn có sử dụng công nghệ thông tin, cô Phương đã bố trí công việc, gia đình để đi học tiếng Anh. Trong thời gian 6 năm, cô Phương vừa sinh 2 đứa con, vừa học xong bằng Thạc sĩ quản lý giáo dục và cũng trang bị cho mình vốn tiếng Anh đủ để giao tiếp và sử dụng cho công việc chuyên môn.
Một dự án cô Vũ Bích Phương dành rất nhiều tâm huyết và đạt được nhiều thành công “Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực”. Dự án này được cô Phương triển khai với mong muốn thể hiện sự đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy trực tuyến; đồng thời, lan tỏa trong cộng đồng thông điệp bảo vệ môi trường, đặc biệt về vấn đề biến đổi khí hậu trái đất. Từ đó, giúp học sinh hoàn thiện các kỹ năng, có những hoạt động đóng góp với cộng đồng cũng như có trách nhiệm đối với môi trường sống của mình. Dự án được thực hiện trong cả dịp hè, giúp các em có sân chơi lành mạnh và vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế.
Dự án gồm 3 giai đoạn, qua từng giai đoạn, các học sinh nắm được khái niệm về biến đổi khí hậu, tìm ra nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục thông qua những kiến thức đã học ở chương trình Sinh học lớp 6. Trong đó, dự án tập trung nhất ở những biện pháp giúp học sinh nắm được vai trò to lớn của thực vật; giúp các em bước đầu sử dụng công nghệ thông tin trong việc học tập trực tuyến cũng như các kỹ năng của thế kỷ 21 như làm việc nhóm, tìm tài liệu phân tích và tổng hợp, đánh giá lên mục tiêu.
Trong khuôn khổ dự án, cô Phương còn tổ chức các hoạt động vì cộng đồng, bán các sản phẩm tái chế của chính học sinh làm và tạo thành nguồn vốn cho các hoạt động tuyên truyền. Ở giai đoạn này, dự án nhận được sự quan tâm lớn của các học sinh trong trường, sự ủng hộ của Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo và phản hồi tích cực của phụ huynh học sinh. Qua địa chỉ trang web: https://www.facebook.com/duanchongbiendoikhihaubangcacvieclamthietthuc/, Dự án đã làm lan tỏa kiến thức về biến đổi khí hậu trong học sinh trên cả nước, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên trong học sinh.
Nhiều học sinh có tố chất đặc biệt của Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng đã được cô Bích Phương phát hiện và khuyến khích các em phát triển năng lực cá nhân. Do vậy, các em đã mạnh dạn tham gia vào các kỳ thi và đạt được những thành tích như 3 học sinh đạt giải Hội thi Tin học trẻ không chuyên năm học 2015 - 2016; thi tích hợp liên môn (2 học sinh đạt giải nhì, 2 học sinh đạt giải ba, 3 học sinh đạt giải khuyến khích cấp thành phố); thi học sinh giỏi môn Khoa học (1 học sinh đạt giải ba cấp quận năm học 2016 - 2017; 1 giải khuyến khích liên môn cấp quốc gia với đề tài “Vườn treo Babylon - giải pháp chống nóng ở sân trường”). Học sinh của Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng còn giành Huy chương Vàng quốc tế cuộc thi Khoa học LAB - Learning Across Borders...
Không chỉ mở ra một không gian kiến thức, cô giáo Vũ Bích Phương còn truyền cảm hứng cho học sinh biết yêu và bảo vệ môi trường từ những việc làm thiết thực. Việc làm của cô Phương cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám hiệu nhà trường từ việc làm mát, làm đẹp sân trường bằng vườn treo các loại cây đầy màu sắc, đến các hoạt động ngoại khóa về chống biến đổi khí hậu, duy trì và phát triển các việc có ích cho môi trường học tập ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
“Bên cạnh sự ủng hộ của Ban Giám hiệu nhà trường, tôi may mắn còn có được sự ủng hộ hết lòng của chồng và gia đình chồng. Cả quãng thời gian vừa đi học, vừa sinh con, vừa triển khai các dự án về môi trường, tôi luôn được tạo mọi điều kiện. Điều này không chỉ giúp tôi thực hiện được niềm say mê nghiên cứu, học hỏi của mình mà còn đem lại những cơ hội mở mang kiến thức cho rất nhiều học sinh”, cô giáo Bích Phương xúc động tâm sự.
Những việc cô Vũ Bích Phương đã làm được trong những năm đầu của hành trình truyền thụ kiến thức cho học trò rất có ý nghĩa. Chúng tôi còn được Hiệu trưởng nhà trường kể về một học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được cô Phương nhận nuôi dạy hơn 2 năm khi gia đình của em rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, giúp em trở thành con ngoan trò giỏi. Khi được hỏi về câu chuyện này, cô Phương chỉ nhoẻn miệng cười: “Chuyện ấy bình thường lắm chị à!”.