Chú trọng phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh của học sinh

Trong dự thảo các chương trình môn học, tiếng Anh là môn học từ lớp 3-12.

Sử dụng các học liệu điện tử, thiết bị nghe nhìn, công nghệ thông tin... sẽ giúp nâng cao hiệu quả dạy học ngoại ngữ. Ảnh: TTXVN

Đây là một môn học công cụ ở trường phổ thông, giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, góp phần hình thành và phát triển năng lực chung để học tập tốt các môn khác. Đây cũng là môn học cung cấp cho học sinh công cụ giao tiếp quốc tế quan trọng, trao đổi thông tin, tri thức khoa học, kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu các nền văn hóa, qua đó góp phần hình thành ý thức công dân toàn cầu.

Tập trung phát triển năng lực giao tiếp của học sinh

Giáo sư Nguyễn Lộc, chủ biên môn tiếng Anh, Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: Đường hướng chủ đạo trong môn học Tiếng Anh nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Do vậy, các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào năng lực giao tiếp ở bốn kỹ năng: Nghe, nói, đọc và viết. Năng lực giao tiếp của môn tiếng Anh là khả năng sử dụng kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) để tham gia vào các hoạt động giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) trong những tình huống hay ngữ cảnh có nghĩa với các đối tượng giao tiếp khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp của bản thân hay yêu cầu giao tiếp của xã hội.

Nội dung dạy học cả về năng lực giao tiếp lẫn kiến thức ngôn ngữ đều dựa trên yêu cầu của năng lực giao tiếp bậc 1, 2 và 3 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Các nội dung dạy học ở bậc tiểu học cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Học sinh có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; trả lời thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân, bạn bè…; có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”.

Các nội dung dạy học ở bậc trung học cơ sở cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm,…). Người học có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày; mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu”;

Các nội dung dạy học ở bậc trung học phổ thông cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí,...; xử lý hầu hết các tình huống xảy ra ở những nơi ngôn ngữ đó được sử dụng. Hơn nữa, người học có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm; mô tả được kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão; trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.

Giáo sư Nguyễn Lộc cũng cho biết: Chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 được xây dựng để chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho học sinh tiểu học học Tiếng Anh chính thức từ lớp 3 một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các trường chỉ tổ chức cho học sinh làm quen tiếng Anh ở lớp 1, lớp 2 trên cơ sở tự nguyện của học sinh và phụ huynh. Khi tổ chức cho học sinh tự nguyện học chương trình Làm quen với tiếng Anh, nhà trường phải có giải pháp tổ chức hoạt động phù hợp với những học sinh không tham gia.

Trao quyền chủ động cho giáo viên


Thầy Phạm Trọng Hiếu, giáo viên Tiếng Anh, Trung tâm giáo dục Học mãi đánh giá cao dự thảo chương trình môn tiếng Anh và cho rằng, nếu chương trình được triển khai tốt sẽ mang lại "làn gió" mới trong dạy và học Tiếng Anh ở trường phổ thông. Theo thầy Hiếu, sự phân bổ các chủ đề của chương trình mới khá đồng đều và mang tính kế thừa, phù hợp với sự phát triển nhận thức của học sinh. Các kỹ năng về thực tế, giao tiếp được đưa ngay vào từ cấp tiểu học như giới thiệu bản thân, trình bày về thế giới xung quanh... Chương trình mới cũng lồng ghép nhiều hoạt động mang tính hỏi đáp, làm việc theo đôi, theo nhóm để tăng kỹ năng cho các em.

Thầy Phạm Trọng Hiếu cho rằng: Đội ngũ giáo viên hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình Tiếng Anh mới. Tuy nhiên, Bộ cần có quy trình tập huấn kỹ lưỡng cho giáo viên về kỹ năng, cách thức triển khai. Để triển khai tốt các hoạt động giao tiếp trên lớp, giáo viên phải năng động hơn, nắm bắt được tâm lý của từng học sinh để phân nhóm sao cho hiệu quả nhất.

Cô Đinh Đại Ngọc, giáo viên Trường trung học phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội) chia sẻ: Điểm ấn tượng của chương trình là chỉ mang tính chất gợi ý, định hướng mà không áp đặt; đánh giá hoạt động đào tạo qua kết quả cuối cùng của giáo viên. Điều này giúp giáo viên có thể tự do sáng tạo, áp dụng các phương pháp cũng như xây dựng chương trình sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, phát huy năng lực học sinh mà không bị gò bó vào thời lượng quy định cho kiến thức từng tiết học.

Một số giáo viên còn bày tỏ băn khoăn về việc triển khai các hoạt động tương tác trên lớp, với áp lực về sỹ số lớp quá đông như hiện nay. Việc khắc phục sỹ số lớp là vấn đề khó. Vì vậy, các giáo viên cho rằng, muốn giảng dạy hiệu quả, tăng tính tương tác trong các giờ học Tiếng Anh, rất cần sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ và việc sắp xếp, phân nhóm hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét xây dựng bộ tiêu chuẩn đối với giáo viên Tiếng Anh nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình mới.

Việt Hà (TTXVN)
Đổi mới giáo dục chưa thành công có nguyên nhân do nóng vội
Đổi mới giáo dục chưa thành công có nguyên nhân do nóng vội

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, chương trình đổi mới giáo dục có thể lùi nhiều năm, đến khi hội đủ các yếu tố cần thiết để tránh thất bại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN