Hoang mang về ứng xử trong lớp học
Hầu như đa số phụ huynh đều đồng tình với việc trang bị camera trong các lớp học, với lý do chính là để “giám sát các hành vi bạo lực học đường”. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoà (phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm: “Do có quá nhiều vụ việc giáo viên bạo hành học sinh ngay trong lớp học, nên tôi nghĩ cần có sự giám sát”. Bên cạnh đó, chị Hoà cũng cho rằng việc lắp đặt camera giám sát cũng là phục vụ công tác quản lý của nhà trường, giúp các bên liên quan kịp thời xử lý các tình huống và có giải pháp khắc phục kịp thời.
“Tôi cho rằng, việc có camera sẽ giúp giáo viên và học sinh tự điều chỉnh, đồng thời cũng là một bằng chứng quan trọng khi cần thiết, để xử lý kịp thời, chính xác các vi phạm trong nhà trường hoặc để cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần. Bên cạnh đó, phụ huynh sẽ yên tâm hơn vì có thể kiểm tra, giám sát việc học tập, sinh hoạt của con em mình” – chị Thanh Hoà cho biết.
“Đúng là việc lắp camera sẽ tốt hơn cho công tác điều hành, quản lý, chứ không chỉ để phụ huynh giám sát con em hay cách hành xử của giáo viên”, một phụ huynh khác đồng tình.
Tuy nhiên, việc lắp camera lớp học cũng không được sự đồng thuận của tất cả các phụ huynh. Cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết phải “giám sát”các hoạt động của cô và trò trong lớp học. “Đã gửi con đến trường thì cần tin tưởng, chẳng lẽ cha mẹ không đi làm mà cả 8 tiếng ngồi quan sát lớp học hay sao”, chị P.H.A (quận Ba Đình) cho biết.
Còn với ngành giáo dục, việc lắp camera lớp học cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Bà Phạm Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Dương, Hà Nội cho biết: Khi bắt đầu triển khai lắp camera lớp học, nhà trường vấp phải nhiều khó khăn bởi giáo viên phản đối. Nhưng việc lắp đặt camera lớp học vẫn được tiến hành, nhằm giúp nâng cao trách nhiệm của giáo viên, cũng như bảo vệ họ trong những tình huống bất ngờ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Công Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hoà, Hà Nội cho biết: Hiện tại, nhà trường triển khai việc lắp camera trong khu vực của trường, khu ngoại cảnh, hàng lang… Việc này có hiệu quả tốt là nhà trường bao quát được hoạt động chung, kịp thời giúp đỡ được học sinh khi có vụ việc xảy ra. Nhưng để triển khai lắp trong lớp học thì cần phải xem xét, lấy ý kiến nhiều chiều và còn phụ thuộc vào tính chất mỗi trường nữa.
“Phụ huynh cũng nên có niềm tin vào các thầy cô bởi họ đã quá áp lực rồi. Thực ra không yêu thương con trẻ thì giáo viên sẽ không đi dài được với nghề”, bà Nguyễn Công Thị Thu Huyền nhấn mạnh.
Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, Khoa giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích: "Tôi phản đối hành vi xâm phạm trẻ của cô giáo nhưng tôi cũng muốn phân tích khía cạnh này. Cách đây gần 10 năm, xuất hiện phong cách giáo dục "không phạt". Phụ huynh lên án cả chép phạt, phạt tập thể dục... hậu quả thì trẻ phải gánh chịu. Cùng với phong cách "soi và can thiệp nhà trường ở mọi chi tiết", các phụ huynh đã làm hỏng môi trường giáo dục trẻ”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Tạo môi trường minh bạch
Tại Hà Nội, một số trường tiểu học học bắt đầu tính tới phương án lắp camera ở khuôn viên trường, thậm chí ở từng lớp học, nhưng triển khai còn khá dè dặt.
Trường Tiểu học An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội là một trong những trường tiểu học ít ỏi trên địa bàn Hà Nội triển khai việc lắp camera lớp học. Cô Phạm Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giáo viên không muốn có cảm giác bị theo dõi. Nhưng ban lãnh đạo nhà trường đã phân tích cho giáo viên hiểu việc lắp camera lớp học có hiệu quả như thế nào. Ví dụ, chính giáo viên có thể tự vệ khi có sự viện diễn ra theo chiều hướng tiêu cực khiến học sinh hay phụ huynh hiểu lầm. Camera lớp học chính là căn cứ để thực hiện tốt các nhiệm vụ minh bạch trong môi trường học đường, giúp phụ huynh, học sinh hiểu giáo viên hơn, ban giám hiệu nắm được tình hình hơn”.
Cô Nguyễn Thanh Nhàn, giáo viên trường Tiểu học An Dương cho biết: "Khi mới bắt đầu triển khai việc lắp camera lớp học, giáo viên cảm thấy rất áp lực và e ngại. Nhưng sau đó thì áp lực này giảm đi. Đến nay, mọi việc vẫn diễn ra bình thường". Được biết, trường Tiểu học An Dương lắp camera lớp học từ năm 2018. Sau 1 năm triển khai, trường đã thu được những hiệu quả rõ nét: Dù lực lượng ban giám hiệu mỏng nhưng việc quản lý vẫn thuận lợi. Giáo viên từ cảm giác không thoải mái đã thích nghi được.
Trước ý kiến về việc nếu triển khai việc lắp camera lớp học sẽ gặp phải sự can thiệp thái quá của phụ huynh, lãnh đạo trường Tiểu học An Dương cho rằng cần có giới hạn phù hợp. Điều này là thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Tạo môi trường minh bạch, thân thiện, tiết học hiệu quả là điều mà nhà trường muốn hướng tới.
Phân tích về xu hướng này, TS Trần Thu Hương, Khoa tâm lý học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội phân tích: Điều quan trọng là giảm thiểu, hạn chế hiện tượng tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục, ví dụ chất lượng giảng dạy, mối quan hệ thầy cô và các con, không gian an toàn trong nhà trường. Cũng cần giảm tối đa tình trạng bắt nạt ở học đường, trên cơ sở xây dựng tinh thần cộng đồng trong nhà trường với sự lành mạnh trong mối quan hệ học trò – giáo viên và mối quan hệ giữa các học trò với nhau của mỗi lớp học.
Trao đổi với PV Báo Tin tức, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay chưa có quy chuẩn về việc lắp đặt camera trong lớp học. Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến của các nhà trường, các chuyên gia giáo dục về việc có nên triển khai việc lắp đặt camera trong lớp học đồng bộ hay không. Đây là vấn đề cần phải được bàn thảo kỹ lưỡng.