Theo Bộ trưởng, nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nhiệm vụ rất quan trọng, nhận nhiệm vụ này đồng nghĩa với nhận trách nhiệm lớn với đất nước. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chuyên môn căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định số 69/QĐ-TTG ngày 15/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025” (Đề án 69) để rà soát tình hình thực hiện, nhìn nhận những gì đã làm được, chưa làm được, đưa ra điều chỉnh sát với thực tế cho giai đoạn 5 năm tới, kết nối với khung chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030.
Theo Bộ trưởng, có 3 trụ cột chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học cần được bám sát là: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.
Đối với đào tạo, Bộ trưởng lưu ý đến việc sớm ban hành được các chuẩn chương trình đào tạo của các nhóm ngành, căn cứ vào đó để giám sát, kiểm tra, minh bạch chất lượng đào tạo.
Đối với nghiên cứu khoa học, cốt lõi là hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học, từ đó lan tỏa các hoạt động nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo.
Chuyển giao tri thức là sự gắn kết hiệu quả giữa đại học với doanh nghiệp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Ba trụ cột này sẽ tạo ra "hệ sinh thái đại học" cộng sinh lẫn nhau, kiến thức thực tiễn được đưa vào trường đại học, tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo gắn liền với cuộc sống. Từ đó, đi tới nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị sớm kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; xem xét rà soát, tích hợp mục tiêu, nhiệm vụ của các Đề án khác như Đề án về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học; nhiệm vụ quy hoạch các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục… nhằm tạo sự thống nhất, tránh xung đột, phân tán nguồn lực.
“Có nhiều việc đang làm rồi và có tính khả thi cao. Thời gian tới, khi các nhiệm vụ tiếp tục được triển khai và các nguồn lực được tập hợp tốt, sẽ có sự đột phá về chất lượng giáo dục đại học”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, để triển khai Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch cụ thể, trong đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ, lộ trình thực hiện. Sau 2 năm triển khai Đề án này, hệ thống văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh tự chủ đại học đã được ban hành và đang tiếp tục được hoàn thiện; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, các trường đại học có đào tạo ngành sư phạm, các trường sư phạm đang được triển khai theo đúng tiến độ.
Kết quả là hệ thống xếp hạng đại học Việt Nam gắn kết với khu vực và thế giới bước đầu đã hình thành cùng với việc hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học làm cơ sở quan trọng để xếp hạng các đại học của Việt Nam. Nâng dần thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học được đẩy mạnh, tính đến ngày 31/1/2021, có 63% trường đại học được kiểm định, 342 chương trình đào tạo được kiểm định. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của các nhóm ngành - đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để minh bạch và nâng cao chất lượng đào tạo đại học.