Chủ động trong tự chủ, nâng cao chất lượng
Tự chủ đại học là vấn đề được ngành giáo dục đặt ra nhiều nhất trong thời gian gần đây khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 hoàn thiện. Trong đó, khâu đột phá là thành lập hội đồng trường. Tuy nhiên, như báo Tin tức phản ánh thì mô hình này mới chỉ là… hình thức.
Tại Hội nghị tổng kết Giáo dục đại học 2020 và định hướng 2021, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99 (năm 2019) là một bước tiến lớn về hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học, trong đó nội dung cốt lõi là tự chủ đại học".
Một trong những điều kiện tiên quyết để các trường thực hiện quyền tự chủ đó là, phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99. Đó không chỉ là yêu cầu tuân thủ pháp luật, mà còn là sự đổi mới cần thiết về mặt nhận thức và tư duy trong quản trị đại học theo mô hình tiên tiến.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến ngày 27/11 vẫn còn 50% cơ sở giáo dục đại học công lập chưa hoàn thành việc thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường theo luật mới. Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục đại học khẩn trương thực hiện các bước thành lập và kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành công nhận trước khi kết thúc năm học 2020 - 2021. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy chế nội bộ, tăng cường phân cấp, phân quyền và công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đánh giá công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã nhận được sự quan tâm và sự nỗ lực của toàn hệ thống, hình thành và phát triển văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học.
Kết quả kiểm định cho thấy, các trường đã quan tâm và hướng tới các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế. Các trung tâm kiểm định trong nước đã từng bước phát triển, khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học nước ta.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: “Trong năm 2021 và những năm tới, khi tự chủ đại học được mở rộng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục cần được quan tâm đặc biệt. Các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, coi công tác đánh giá và kiểm định là các hoạt động thường xuyên nhằm liên tục cải tiến chất lượng, mang lại niềm tin và lợi ích cho người học và cả xã hội. Tăng số lượng các cơ sở đào tạo đạt kiểm định, đặc biệt phải tăng nhanh số lượng chương trình đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế”.
Ưu tiên chuyển đổi số
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá: "Các cơ sở giáo dục đại học luôn đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới phương pháp dạy và trong quản trị nhà trường. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vừa qua đã tạo ra cú hích lớn, đồng thời là một dịp để hệ thống giáo dục đại học thể hiện năng lực sử dụng công nghệ trong dạy và học. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ ứng phó với tình hình dịch bệnh mà đã có những định hướng chiến lược và đầu tư, chuẩn bị mạnh mẽ cho chuyển đổi số, phát triển đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa".
Thực hiện Quyết định số 749 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ GD&ĐT xác định chuyển đổi số là một chiến lược đột phá, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Việt Nam phải trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục và đào tạo.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: "Ngay trong năm 2021, toàn ngành cần đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT. Chuyển đổi số phải trở thành một nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở giáo dục đại học, được triển khai nhanh chóng và hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học. Bộ GD&ĐT tăng cường rà soát, bổ sung văn bản chính sách để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; hướng dẫn các trường triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 và kết nối vào hệ thống dịch vụ công quốc gia".
Để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: "Thực hiện Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, Bộ GD&ĐT đã bước đầu xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu cho giáo dục đại học phục vụ thống kê ngành và tuyển sinh đại học; các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện cập nhật dữ liệu trên hệ thống".
Cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học cũng là một thành phần cốt lõi trong khung chuyển đổi số GD&ĐT, đóng vai trò quan trọng công tác quản trị nhà trường, góp phần công khai minh bạch thông tin, giúp các cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình. Đồng thời phục vụ công tác phân tích, dự báo, giám sát, thanh tra trong chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: "Công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020 với một số cải tiến về mặt kỹ thuật. Đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng nhằm đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập".