Thúc đẩy giáo dục đa văn hóa trong các trường đại học Việt Nam

Chiều 3/12, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Đào tạo quốc tế - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Tọa đàm Giáo dục đa văn hóa ở các trường đại học Việt Nam trong bối cảnh cộng đồng ASEAN, tầm nhìn đến 2025.

Bà Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù ASEAN đề ra những mục tiêu phát triển giáo dục trong nội khối tương đối rõ ràng từ năm 2015 nhưng kết quả đạt được về hợp tác giáo dục giữa các trường đại học ASEAN còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này là do khoảng cách về giáo dục giữa các nước thành viên vẫn còn khá lớn; chưa có sự liên thông, đồng bộ giữa các tổ chức liên quan đến giáo dục. Mặt khác, việc công nhận bằng cấp của nhau và quốc tế hóa bằng cấp trong khu vực cũng là một thách thức không nhỏ.

Theo các đại biểu, để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, các trường đại học Việt Nam cần bám sát 5 mục tiêu hợp tác giáo dục ASEAN. Cụ thể, tăng cường kiểm định theo chuẩn Mạng lưới các trường đại học ASEAN. Các trường cần chủ động dựa trên 8 nhóm ngành được công nhận tay nghề tương đương di chuyển trong nội khối để đưa ra khung tham chiếu kỹ năng. Từ đó, mở các lớp đào tạo cấp chứng chỉ theo khung tham chiếu được công nhận liên các trường đại học ASEAN. Cùng với đó, tăng cường giao lưu văn hóa, trao đổi sinh viên giữa các trường Việt Nam với các trường ASEAN.

Bà Wong Chia Chiann, Tổng Lãnh sự Malaysia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi thành viên ASEAN đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu chiến lược được đề ra trong Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Thực tế, không quốc gia nào có thể phát triển một cách cô lập. Khối ASEAN 10 quốc gia có sự đa dạng, khác biệt và mang đặc trưng của mỗi quốc gia về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo… tuy nhiên, tất cả đều có chung một nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực để phát triển đất nước và giáo dục đa văn hóa có vai trò quan trọng để thực hiện được nhiệm vụ này. Sự dịch chuyển trong ASEAN cũng như trên thế giới, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các quốc gia, đa văn hóa trong giáo dục càng trở nên quan trọng hơn.

Theo bà Wong Chia Chiann, để chuẩn bị cho một thị trường chung ASEAN, bên cạnh các kỹ năng và kiến thức cần thiết, lãnh đạo ở tất cả các nước ASEAN có vai trò quan trọng trong thúc đẩy giáo dục trên nguyên tắc hiểu biết trong đa dạng.

Thu Hoài (TTXVN)
Trao giải cuộc thi sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020
Trao giải cuộc thi sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020

Chiều 28/11, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức trao giải cuộc thi sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN