Bài 1: Hội đồng trường chỉ là hình thức
Một trong những khâu đột phá để thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học là thành lập Hội đồng trường. Thậm chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hạn mức để các trường thành lập Hội đồng trường nhằm thúc đẩy quyền tự chủ, nhưng đến nay đã quá hạn tới 4 tháng, mới chỉ có 50 trường thực hiện về… hình thức.
Lỗ hổng ở đâu?
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 được nhiều chuyên gia đánh giá có bước tiến lớn, nhằm trao quyền tự chủ thực sự cho trường đại học. Các quy định về nhiệm vụ của Hội đồng trường mở rộng và cụ thể hơn rất nhiều với 10 đầu mục, gấp đôi so với Luật 2012 như: Rõ ràng hơn về nhiệm vụ, thành phần hội đồng, việc bố trí nhân sự cho vị trí chủ tịch Hội đồng trường; Hội đồng trường có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của một tổ chức quản trị có quyền lực và trách nhiệm cao nhất… khá tương đương với các trường đại học ở châu Âu, châu Mỹ.
Theo Luật, Hội đồng trường tổ chức đại diện cho trường đại học thực hiện trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội. Có thể thấy mô hình này đầy đủ và có thể giúp vận hành trơn tru một cơ sở giáo dục đại học, mà không cần thêm một tổ chức nào khác.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có nhiều nỗ lực điều chỉnh các quy định liên quan từ Luật Giáo dục 2005, tới Luật Giáo dục đại học 2012 và mới đây nhất Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 nhằm nâng cao vai trò, tăng cường vị thế và quyền lực quản trị hệ thống cho Hội đồng trường; nhưng trên thực tế, việc giải quyết mối quan hệ giữa các thiết chế, cũng như điều kiện tiến đến "xóa cơ chế chủ quản" như tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP, Nghị quyết số 19-NQ/TW lại đang đặt ra không ít thách thức, khó khăn và vướng mắc.
GS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Đến nay, không biết có bao nhiêu trường đại học công lập đứng thêm vào đội ngũ của 23 trường đã tự chủ từ trước khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 và Nghị định 99 có hiệu lực pháp lý? Con số vẫn là 23 cơ sở giáo dục (23/175, tương đương tỷ lệ 13,1%). Thêm nữa, theo yêu cầu của Nghị định 99, hạn chót là ngày 15/8/2020, tất cả cơ sở giáo dục đại học công lập trên cả nước phải có Hội đồng trường được thành lập theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, trừ khối trường an ninh, quân đội. Nhưng đến ngày 30/10/2020, mới có hơn 50 Hội đồng trường được thành lập, trên tổng số 175 trường đại học công lập (28,6%). Bộ GD&ĐT đang tiếp tục “đốc thúc” các cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học để đến hết năm 2020 về cơ bản các trường đại học công lập đều có Hội đồng trường.
Phân tích về sự chậm trễ này, GS Trần Đức Viên cho biết: “Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của nhiều trường đại học, 'tổ chức Đảng của trường lãnh đạo các hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật'. Nhưng về cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 không có một nội dung nào liên quan đến tổ chức Đảng của trường, từ 'cấp ủy' chỉ xuất hiện 2 lần. Vì vậy, không phản ánh vai trò thực sự của tổ chức Đảng trong quá trình lãnh đạo, quản trị và quản lý nhà trường”.
GS Trần Đức Viên phân tích, "cấp ủy" luôn là tổ chức lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, giữ vai trò quyết định trong tất cả các quyết sách về nhân sự chủ chốt, chiến lược phát triển, lãnh đạo, giám sát các hoạt động của cơ quan, của tổ chức; cơ sở giáo dục đại học cũng phải ngoại lệ. Thêm nữa, phần lớn các vị trí lãnh đạo và quản lý chủ chốt của cơ sở giáo dục đại học đều là đảng viên, có trách nhiệm tuân thủ Điều lệ đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cơ sở và cấp ủy cấp trên. Vì vậy, Đảng ủy mới là tổ chức giám sát toàn bộ hoạt động quản lý, vận hành của nhà trường như một tổ chức quản trị.
Còn chồng chéo
Là một trong những trường có Hội đồng trường trước khi có Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, bà Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: “Trường thành lập Hội đồng trường từ tháng 9/2015 theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và điều lệ trường đại học. Vừa rồi theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, Hội đồng trường được điều chỉnh theo đúng quy định. 5 năm qua, Hội đồng trường phát huy được vai trò trong nhà trường, không có sự xung đột giữa Hội đồng trường với các tổ chức khác dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, thi hành nghị quyết bộ máy của Ban giám hiệu. Hoạt động của trường Đại học Mở thuận lợi là do từ năm 2015, mô hình Bí thư Đảng uỷ là Chủ tịch Hội đồng trường. Phương án này hiện đáp ứng tốt nhiệm vụ của từng tổ chức trong quản trị, tổ chức của nhà trường”.
Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm của TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT: "Điểm lúng túng hiện nay của các trường đại học công lập không có Hội đồng trường là toàn bộ mọi quyền lực đều tập trung vào hiệu trưởng. Tư duy này cần phải thay đổi. “Đối với trường tư, ngay từ khi thành lập, vấn đề quản trị được làm rõ: Hội đồng trường, hiệu trưởng, doanh nghiệp điều hành song song. Việc phối hợp đều cần có sự thống nhất để giải quyết xung đột”.
“Tự chủ đại học cuối cùng phát huy được hay không phụ thuộc vào từng trường. Điểm quan trọng của cơ chế tự chủ ở đây chính là giúp các trường tự chủ trong mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, hợp tác quốc tế… Đây mới là điểm quan trọng”, ông Lê Trường Tùng cho hay.
Bài 2: Chưa đồng bộ về luật