Thưa Thứ trưởng! Ông có đánh giá gì về thực trạng tự chủ ở các trường đại học hiện nay?
Việt Nam hiện có 23 trường đại học thí điểm theo Nghị quyết 77/NQ-CP (về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017) và một số nội dung với đề án Tự chủ đại học đã được Chính phủ phê duyệt.
Đã có những thành công bước đầu theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, số 34/2018/QH14 (Luật 34). Cụ thể, tiếp tục thu hút thí sinh vào các trường có chất lượng đào tạo tốt; thành tích nghiên cứu khoa học tăng nhanh; kiểm định chương trình đào tạo rõ nét. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có 4 trường đại học có mặt trong bảng xếp hạng QS Châu Á 2021 (QS Asia University Rankings 2021).
Tuy nhiên, việc tự chủ đại học vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ. Các trường mới chỉ dừng ở bước đầu kiện toàn Hội đồng trường, trong khi đây là bước quan trọng để triển khai tự chủ. Nhiều trường đại học chờ sửa đổi Nghị định 86/2015/NĐ-CP (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021) để có căn cứ pháp lý tốt hơn quản lý tài chính. Đây là vấn đề rất quan trọng để thực hiện tự chủ trong bối cảnh chính sách nhà nước thay đổi từ cấp phát kinh phí thường xuyên sang cơ chế đặt hàng.
Nhìn lại 5 năm qua, tự chủ đại học có sự chuyển biến rất mạnh trong thực hiện tự chủ ở Việt Nam, từ nhận thức đến hành động, đã có kết quả rõ rệt. Đây là bước tiến lớn, có sự thay đổi trong hệ thống luật pháp, năng lực thực thi pháp luật từ cơ sở giáo dục đến cán bộ. Tất nhiên, thực hiện tự chủ là cả quá trình.
Thưa Thứ trưởng, hiện nay vấn đề tự chủ ở các trường đại học chưa thực hiện rốt ráo do vướng nhiều luật khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị gì để sớm điều chỉnh đảm bảo quyền tự chủ ở các trường một cách thực chất?
Về cơ bản Luật Giáo dục đại học mới mở ra hành lang pháp lý rất quan trọng cho phép các trường đại học triển khai được quyền tự chủ. Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học cũng quy định quyền tự chủ chủ yếu về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy. Những vấn đề liên quan đến viên chức, tài chính, tài sản lại được quy định ở các luật khác. Trong khi đó, các luật này không được sửa đổi nhanh chóng, đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật 34.
Vừa rồi có một số nghị định liên quan đến Luật viên chức đã có nội dung theo kịp, đồng bộ với Luật 34 nhưng còn một số điều khoản chưa đồng bộ. Bộ GD&ĐT rất quan tâm vấn đề này vì các trường đại học đang vướng mắc. Ví dụ như quy định “Ai là người đứng đầu trong một trường đại học” thì quy định về quản lý viên chức chưa hoàn toàn đồng bộ với Luật Giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT đã kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện nhằm có những sửa đổi bổ sung để đồng bộ hai luật này.
Về vấn đề tài chính, tài sản trong tự chủ đại học, các trường phải chờ Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 86. Lúc đó, các trường đại học mới thực sự có hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện tự chủ đại học về lĩnh vực tài chính.
Các luật khác, ví dụ như: Luật Đầu tư công được ban hành một số Nghị định. Chúng tôi thấy một số Nghị định mới khá phù hợp. Nhưng điểm nghẽn ở đây chính là Luật Quản lý tài sản công về quy trình thủ tục sử dụng tài sản công trong thực hiện hoạt động dịch vụ, liên doanh, liên kết hợp tác với cơ sở doanh nghiệp bên ngoài có quy trình khá phức tạp. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị để có chỉnh sửa về Luật hoặc Nghị định hướng dẫn để các trường đại học có những quyền tự chủ cao hơn. Qua đó, các trường đại học hoạt động tự chủ hiệu quả hơn để đi đến cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Thưa Thứ trưởng, vậy Bộ GD&ĐT có hướng dẫn gì thêm với các trường đại học; hoặc sẽ có những điều chỉnh gì về mặt quản lý, đặc biệt đối với các trường có cơ quan chủ quản không phải là Bộ GD&ĐT?
Chúng tôi đã xây dựng, hoàn thiện các các văn bản quy phạm pháp luật. Theo kế hoạch, sẽ có Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021; Thông tư về Quy chế, về quy định, về chuẩn chương trình, về quy chế đào tạo phù hợp với Luật 34.
Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn, hỗ trợ các trường trong việc triển khai thành lập Hội đồng trường; bổ nhiệm nhân sự phù hợp với Luật Giáo dục đại học; xây dựng cẩm nang dưới dạng cuốn sách trao đổi kinh nghiệm để các trường triển khai tốt hơn. Đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp cùng với Bộ GD&ĐT hoàn thiện các vị trí trong nhà trường, đặc biệt Hội đồng trường cũng như các vị trí chủ chốt theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học.
Hiện nay, mới chỉ có một số trường đại học công lập thành lập Hội đồng trường. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo cho các trường đại học. Điều này giúp các trường tự chủ và nâng cao năng lực quản trị nội bộ, phát huy được nội lực của mình. Đây mới là điều quan trọng.
Bộ GD&ĐT có kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, các trường đại học thực hiện tốt trách nhiệm giải trình của mình, đồng thời áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu. Bộ GD&ĐT có công cụ giám sát để quản lý chất lượng tốt hơn đối với các trường đại học, cao đẳng về tuyển sinh, công tác sinh viên, nghiên cứu. Dữ liệu đó được tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia.
Xung quanh vấn đề tự chủ ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng là bài học đối với nhiều trường. Thứ trưởng chia sẻ gì để việc tự chủ đại học đi đúng hướng và đạt được hiệu quả như mong đợi?
Theo tôi có hai điểm cần nhìn nhận rõ về tự chủ đại học: Thứ nhất, phải quan niệm đúng về tự chủ đại học. Tự chủ đại học là được quyền quyết định căn cứ theo quy định pháp luật mà không phải theo cơ chế xin - cho. Nhưng không phải tự do mà phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Một trường đại học còn phải chịu sự chi phối của nhiều luật: Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách và các luật khác. Đây là điểm rất quan trọng.
Thứ hai, các trường thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Ở đây, trách nhiệm giải trình không phải chỉ với xã hội mà trách nhiệm còn với nội bộ, cán bộ sinh viên trong trường, cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch là cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình của mình. Nếu các trường thực hiện việc này trong mọi quy định quy chế với các bên liên quan, tôi nghĩ hệ thống đảm bảo được. Đương nhiên, để thực hiện tốt vai trò này thì các trường phải xây dựng tốt thiết chế Hội đồng trường.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng có thiết chế Hội đồng trường rất lâu nhưng có những vấn đề xảy ra gần đây xuất phát từ hai điểm như trên. Nếu hệ thống hoạt động minh bạch, công khai, dân chủ, cũng như quan niệm về tự chủ đại học đúng đắn hơn sẽ khác. Trường công lập ngoài là một trường đại học còn phải chi phối của luật khác nữa nên phải hết sức lưu tâm.
Xin cám ơn Thứ trưởng!