Tại buổi họp công bố Kết quả lựa chọn sách giáo khoa mới chuẩn bị cho năm học 2020 -2021 vào sáng 24/6, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết, quy trình lựa chọn sách giáo khoa gồm 4 bước: Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa các môn học; hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn (lưu ý sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên ½ số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý); hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Ông Nguyễn Thành Trung cho biết thêm, mặc dù còn nhiều khó khăn do việc thực hiện giãn cách xã hội nhưng các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiến hành lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 -2021 một cách công khai, minh bạch, đúng quy trình và báo cáo kết quả đúng thời gian quy định. Đa số các đơn vị chọn sách theo bộ để đảm bảo tính chuyên môn, liên môn khi triển khai chương tình. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chọn theo môn học. Theo đó, trong số 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” được các trường tại TP Hồ Chí Minh lựa chọn nhiều nhất, chiếm tỉ lệ 80% (không đều ở các môn, môn tiếng Anh hơn 60%).
Lý giải về việc Bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” được hầu hết các trường lựa chọn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết, bộ sách này có sự tham gia của những giáo viên thành phố đang trực tiếp đứng lớp, tham gia trong quá trình đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá của Thành phố nên những chủ trương, biện pháp đổi mới cũng được thể hiện nhiều và sát với giáo viên thành phố.
Bên cạnh đó, bộ sách “Chân trời sáng tạo” lần đầu tiên và duy nhất có sự tham gia của các tác giả miền Nam (cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh). Theo đó, nhiều phương ngữ, dữ liệu đưa vào sách giáo khoa này mang tính đặc trưng của vùng miền. Ví dụ, sách Tiếng Việt lớp 1 có thể dùng từ “ba má” thay cho “bố mẹ”, dùng từ “ghe thuyền”… Các phương ngữ này gần gũi với lứa tuổi học sinh tiểu học khu vực này. Khi giáo viên tham gia lựa chọn sách giáo khoa, các bộ sách đã đáp ứng đúng chương trình của Hội đồng thẩm định quốc gia, việc lựa chọn sách gần gũi với địa phương là hoàn toàn dễ hiểu.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, để chuẩn bị cho việc đưa bộ sách giáo khoa vào dạy học lớp 1 trong năm học tới, thành phố đã bồi dưỡng gần 5.000 giáo viên lớp 1 qua hình thức trực tuyến. Sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên và đảm bảo 100% giáo viên lớp 1 được tập huấn đầy đủ. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang rà soát lại cơ sở vật chất và có những giải pháp đảm bảo học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông mới.