Ngày 2/7/1961, những người yêu văn học trên thế giới bàng hoàng trước tin Ernest Hemingway - “một con người có thể bị huỷ diệt nhưng không thể bị khuất phục” - đã tự sát bằng khẩu súng săn của mình.
53 năm kể từ ngày qua đời, Hemingway vẫn được nhiều thế hệ độc giả và các nhà phê bình không ngừng tìm hiểu cuộc sống riêng tư cũng như những tác phẩm của ông. Và thời gian càng lùi xa người ta càng cảm nhận ra sự vĩ đại của nhà văn Hemingway, càng thấy rõ ảnh hưởng to lớn của ông đối với văn học thế giới, trong đó có văn học Việt Nam.
Ngày 21/7/1899, thị trấn nhỏ Oak Pak đón chào tiếng khóc đầu đời của một cậu bé mà sau này đã làm rạng danh cho nền văn học Mỹ. Đó là Ernest Hemingway.
Cuộc đời Hemingway gắn liền với những cuộc phiêu lưu mạo hiểm. |
Thôi học năm 18 tuổi, Hemingway làm phóng viên cho tờ “Ngôi sao thành phố Kansas”, tham gia quân đội rồi lại tiếp tục theo đuổi nghề báo. Cuộc đời Hemingway gắn liền với những cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Ông từng chứng kiến những trận đấu bò tót ở Tây Ban Nha, câu cá kiếm ở Cuba, săn báo, sư tử ở châu Phi, làm phóng viên mặt trận... Những trải nghiệm ấy cùng với lối viết súc tích, ngắn gọn rèn luyện trong thời gian làm báo đã giúp ông sáng tạo nhiều tác phẩm nổi tiếng: “Mặt trời vẫn mọc”, “Chuông nguyện hồn ai”, “Giã từ vũ khí”, “Ông già và biển cả”, mang lại cho ông giải Noben văn học năm 1954.
Ngay từ những tác phẩm đầu tay như “Ba truyện ngắn và mười bài thơ” (năm 1923), “Trong thời đại của chúng ta” (năm 1924), đã cho thấy tài năng và phong cách độc đáo của Hemingway. Ôngđã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại phương Tây và góp phần đổi mới lối viết truyện, tiểu thuyết của nhiều thế hệ nhà văn trên thế giới.
Hemingway nổi tiếng với cách tân nghệ thuật. Ẩn chứa đằng sau nội dung trong các tác phẩm là phản đối chiến tranh, về thân phận con người, về tình yêu, về cái chết, đó là tính nhân bản, ca ngợi cuộc sống của con người bình thường. Cách kể trong tác phẩm của ông trần trụi, khốc liệt, ngắn gọn, không bay bổng, trữ tình. Về sau, nhiều nhà văn đã bắt chước Hemingway, học tập ông, viết ngắn gọn nhưng lại hàm chứa nhiều nội dung.
Tình yêu, chiến tranh và cái chết là chủ đề cho mọi sáng tạo của Hemingway. Với chủ nghĩa nhân đạo cao cả và tầm nhìn của một con người vĩ đại, từ đầu thế kỉ XX, ông đã lên án gay gắt mọi cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ông đã nhìn ra sức mạnh và ý chí tuyệt vời của con người cho dù bao giờ cũng dẫn đến cái chết như là tất yếu. Hemingway là nhà tiên tri sáng suốt cho thế kỉ XX. Chiến tranh, sự cân bằng sinh thái, tôn giáo, mâu thuẫn giữa văn minh, khoa học và cuộc sống… vấn đề nào Hemingway nêu lên cũng trở thành hiện thực.
Tình yêu, chiến tranh và cái chết là chủ đề cho mọi sáng tạo của Hemingway. |
Năm 1929, cuốn tiểu thuyết “Giã từ vũ khí” - một trong những tác phẩm văn học phản đối chiến tranh xuất sắc nhất của thế giới- ra đời, đã đưa tên tuổi của Hemingway trở nên nổi tiếng. Cuốn sách viết về cuộc sống, tâm sự của một lớp thanh niên trước và sau chiến tranh, đồng thời tố cáo tính vô nhân đạo của chủ nghĩa quân phiệt. “Giã từ vũ khí” chứa bên trong cường độ và bi kịch, diễn ra với hậu cảnh là chiến tranh, với nhịp độ thay đổi theo vui - buồn, theo cảnh sống và cảnh chết.
Nhưng chỉ khi những tác phẩm “Chuông nguyện hồn ai”và“Ông già và biển cả” ra đời,Hemingway thực sự được coi là nhà văn xuất sắc của văn học hiện đại thế giới. “Chuông nguyện hồn ai” kể về mối tình của người chiến sỹ tình nguyện Mỹ với một cô gái du kích Tây Ban Nha trong Lữ đoàn quốc tế bảo vệ chế độ cộng hoà, chống lại bọn phát xít Franco. Trong một trận đánh ác liệt, người lính tình nguyện đã chấp nhận hy sinh để bảo vệ người yêu và đồng đội của mình. Lý tưởng xã hội, tình yêu, cái chết được đặt trong quan hệ với cuộc nội chiến Tây Ban Nha để người đọc suy ngẫm và lý giải.
Đặc biệt, tác phẩm “Ông già và biển cả” là đỉnh cao của nguyên lý “Tảng băng trôi” Hemingway - một trong những vấn đềtrung tâm trong phong cách nghệ thuật của Hemingway. Nhà văn không công khai phát ngôn ý tưởng của mình mà xây dựng hình tượng có sức gợi để người đọc rút ra phần ẩn ý. Một trong những biểu hiện của nguyên lý trên là độc thoại nội tâm, dùng ẩn dụ, biểu tượng...
Chân dung nhà văn Hemingway. |
Trong tác phẩm, ông già là một biểu tượng, là cố gắng của con người đấu tranh để sinh tồn. Hemingway đã từng phát biểu, ở ngoài biển cả không ai cô đơn cả nhưng chính tiểu thuyết này cũng viết về cái cô đơn của con người. Ở tác phẩm “Ông già và biển cả”, điều đặc biệt là những chi tiết độc thoại nội tâm. Ví dụ, ông già nói “cá ơi ăn đi này”, “chim ơi ăn đi này”... Từ những độc thoại nội tâm này, cuộc sống của ông già được khắc họa rõ nét.
Hai mươi năm cuối cuộc đời, Hemingway chỉ xuất bản hai cuốn sách: “Bên kia sông và dưới vòm lá”, và “Ông già và biển cả”. Thế nhưng đó lại là quãng thời gian ông làm việc vất vả. Trong lúc lâm bệnh, Hemingway phải vật lộn với hàng nghìn trang bản thảo. Sau khi ông mất, tổng cộng có tới 22 kg bản thảo được xuất bản gửi tại Thư viện John Fitzgerald Kennedy.
Khi nhà văn Ernest Hemingway từ giã cõi đời, châu Mỹ cũng như thế giới mất đi một nhà văn lớn, mất đi một con người biến mình thành cuộc đấu tranh liên tục cho lý tưởng tự do, dân chủ.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN