Trong những thập niên cuối thế kỷ XIX, ở Việt Nam xuất hiện nhiều phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, trong đó, phương tiện quan trọng để phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ chính là báo chí Quốc ngữ. “Nam Phong tạp chí” ra đời ngày 1/7/1917 là một trong số đó.
Bước sang đầu thế kỷ XX, giới trí thức Việt Nam nhận thấy chữ Quốc ngữ có mối quan hệ chặt chẽ với văn hoá và báo chí. Sự phát triển của chữ Quốc ngữ góp phần thúc đẩy văn hóa, văn học, nghệ thuật và báo chí phát triển. Ngược lại, báo chí phát triển lại làm cho chữ Quốc ngữ hoàn thiện và nhanh chóng phổ biến trong đời sống của nhân dân.
Vì vậy, họ thực hiện nhiều biện pháp nhằm mở rộng, phát triển báo chí Quốc ngữ và xem báo chí là phương tiện hữu hiệu nhất để truyền tải chữ Quốc ngữ đến với nhân dân lao động.
Năm 1907, các nhà Duy Tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục sử dụng tờ “Đại Nam đồng văn nhật báo”, sau này đổi thành “Đăng Cổ Tùng báo” in bằng hai thứ chữ: chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Tờ báo nhanh chóng trở thành phương tiện truyền bá, cổ vũ và đưa chữ Quốc ngữ vượt qua cổng nhà thờ Thiên chúa giáo đến với nhân dân.
Trang bìa ấn bản số 1, năm 1917. |
Song, chỉ đến khi “Đông Dương tạp chí” (năm 1913) và “Nam Phong tạp chí” (năm 1917) ra đời, thì vai trò truyền bá, phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ của báo chí mới thực sự nở rộ. Cách viết tương đối thống nhất và hoàn chỉnh, dùng từ dễ hiểu, loại bỏ nhiều phương ngữ, góp phần không nhỏ vào quá trình hoàn thiện và phổ biến chữ Quốc ngữ trên hai tờ tạp chí này.
Việc cổ vũ, truyền bá chữ Quốc ngữ trên “Nam Phong tạp chí” là sự kế tiếp và phát triển mạnh mẽ hơn “Đông Dương tạp chí”. “Nam Phong tạp chí” kiên trì nghiên cứu cải tạo câu văn quốc ngữ, đưa thứ chữ mới sử dụng không lâu này có khả năng diễn đạt mọi khái niệm thâm thúy cổ kim đông tây. Các tác giả trên Nam Phong tiếp tục nghiên cứu, biên soạn từ điển, dịch nhiều tác phẩm nước ngoài ra chữ Quốc ngữ, nhất là mạnh dạn đề nghị việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong công văn giấy tờ và đưa chữ Quốc ngữ vào giảng dạy trong trường học.
“Nam Phong tạp chí” còn có công lớn trong việc xây dựng và hệ thống hoá, chuẩn hoá kho từ vựng, bổ sung các thuật ngữ khoa học, kỹ thuật hiện đại bằng việc đăng tải nhiều nội dung bàn về các vấn đề liên quan đến chữ Quốc ngữ, tiêu biểu như “Công văn phải dùng bằng chữ Quốc ngữ”, “Quốc ngữ cổ”, “Khảo về chữ Quốc ngữ”, “Quốc ngữ quốc văn”, “Phan Châu Trinh đối với chữ Quốc ngữ” hay “Sự tiến hoá của tiếng An Nam”, “Tiếng An Nam có cần phải thống nhất không”, “Văn Quốc ngữ”, “Văn chương Quốc ngữ”, “Bảo tồn Quốc ngữ”…
Trang miêu tả mục đích của 'Nam Phong tạp chí'. |
“Nam Phong tạp chí” tổ chức biên dịch, giới thiệu những tác giả nổi tiếng như: Rousseau, Montesquieu, Voltaire đến Descartes, Auguste Comte, Bergson. Nhưng Nam Phong cũng không hiếm bài vở về Hán học, Nho Phật Đạo, lịch sử Việt Nam, cổ văn Hán, văn học dân gian Việt Nam… Các bài viết này có tính học thuật khá cao, đến nay vẫn được tham khảo.
Về phương diện báo chí, “Nam Phong tạp chí” cũng ghi một dấu mốc cho sự lớn mạnh của loại báo này. Mặc dù in chân phương, đậm đặc chữ (theo hai cột dài) và bài vở thường rất kén chọn, gần như một bài nghiên cứu, nhưng “Nam Phong tạp chí” vẫn có sức hấp dẫn vì độ sâu của tri thức.
Có tác giả còn cho rằng, “Nam Phong tạp chí” trở thành một bộ tư liệu có ý nghĩa như “sách luyện Quốc văn” cho một số nhóm tri thức ở Nam Kỳ như: Đông Hồ, Trúc Hà, Nguyễn Văn Kiêm, Mộng Tuyết…
Một số cây bút nổi tiếng giai đoạn sau như Phạm Duy Tốn, Hoàng Tích Chu, Phan Kế Bính, Nguyễn Tường Tam… cũng bắt đầu sự nghiệp của mình từ Nam Phong.
Và người có đóng góp đáng kể trong việc trong việc chuyển tải văn hóa phương Tây vào Việt Nam và tiếp thu những giá trị văn hóa để cho ngôn ngữ nước nhà càng phong phú và không làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt trong “Nam Phong tạp chí” là Phạm Quỳnh. Ông nhận thấy sự tiện ích và phù hợp của chữ Quốc ngữ đối với nhân dân Việt Nam mà các nhà Duy tân Đông Kinh Nghĩa Thục đã nêu ra hồi đầu thế kỷ XX. Ông khẳng định sự cần thiết phải cổ vũ, truyền bá chữ Quốc ngữ đến với nhân dân: “Ngày nay chữ Quốc ngữ đã nghiễm nhiên thành thứ chữ viết, cái văn tự chung của dân tộc Việt Nam vậy. Học vừa dễ vừa mau, dùng vừa hay vừa tiện, thật là một cái lợi khí để truyền bá sự học trong quốc dân. Nay chúng ta được dùng cái chữ thần diệu đó…”. Cũng như khẳng định: “Chữ Quốc ngữ nói sao viết vậy. Mà cách viết ấy học rất mau, chỉ sáu tháng một năm là biết được cả”. Ông xem chữ Quốc ngữ là một thứ chữ “mầu nhiệm” cho nhân dân Việt Nam mở mang dân trí và tin rằng vận mệnh chữ Quốc ngữ sẽ gắn chặt với tiếng Việt, với người Việt và quốc văn cũng nhờ đó mà mỗi ngày một tiến lên rực rỡ.
Vượt ra khỏi mong muốn của những người gây dựng nên tờ báo này, các nhà nghiên cứu cho rằng, “Nam Phong tạp chí” đã có đóng góp đáng kể trong việc chuyển tải văn hóa phương Tây vào Việt Nam và tiếp thu những giá trị văn hóa để làm cho ngôn ngữ nước nhà càng phong phú và không làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN