Khâu nối mạch máu - phát minh mở đường của ngành phẫu thuật hiện đại

Alexis Carrel là bác sỹ phẫu thuật đầu tiên trên thế giới nghiên cứu thành công phương pháp khâu nối mạch máu - một trong những phương pháp vô cùng quan trọng mở đầu cho sự phát triển của ngành phẫu thuật hiện đại. Ông sinh vào ngày 28/6/1873.

 

Bác sĩ phẫu thuật, nhà sinh học Alexis Carrel sinh tại thành phố Lyon, miền đông nam nước Pháp.

Năm 1890, ông nhận bằng Cử nhân khoa học tại Đại học Lyon. 10 năm sau, khi mới 27 tuổi, Carrel đã hoàn thành luận án Tiến sỹ cũng tại trường đại học này. Sau đó, ông tiếp tục làm việc tại bệnh viện Lyon và tham gia giảng dạy bộ môn giải phẫu tại Đại học Lyon.

 

Carrel bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về giải phẫu học từ năm 1902 nhưng phải đến năm 1906, khi trở thành thành viên của Viện nghiên cứu Y học Rockerfeller, New York, ông mới có điều kiện để tiến hành hàng loạt các thí nghiệm về khâu nối mạch máu và ghép tạng - những thí nghiệm giúp ông dành được giải Nobel về Sinh lý học và Y học vào năm 1912.

 

Kỹ thuật khâu nối mạch máu

 

Đến giữa thế kỷ 20, phẫu thuật thắt mạch máu vĩnh viễn vẫn là phẫu thuật chính, cơ bản trong xử lý vết thương mạch máu.


Cho rằng có thể tái tạo, phục hồi sự lưu thông của mạch máu, vì vậy, ngay từ năm 1902, ông bắt đầu nghiên cứu cách để khâu các mạch máu bị cắt đứt lại với nhau. Đầu tiên, ông tự học cách may với một cây kim nhỏ và một sợi tơ. Ông đã thực hành trên giấy, sau đó phát triển các bước để giảm nguy cơ nhiễm trùng và duy trì dòng chảy của máu qua các mạch sửa chữa.


Qua nhiều năm nghiên cứu vật liệu và thực hành các kỹ thuật khác nhau, năm 1908, Carrel đã đề xuất một phương pháp mới để truyền máu, đó là phương pháp nối động mạch của người cho trực tiếp với tĩnh mạch của người nhận qua đường khâu của vết mổ. Chính ông đã sử dụng kỹ thuật này để cứu sống con trai của một người bạn.


Ông Alexis Carrel (đội mũ trắng) thực hành khâu nối mạch máu.


Phương pháp này tuy không khả thi cho việc truyền máu nhưng đã mở đường cho ngành phẫu thuật mạch máu hiện đại mà trước đó mới chỉ giới hạn ở mức buộc thắt mạch máu vĩnh viễn.


Cấy ghép nội tạng trên động vật


Trong quá trình nghiên cứu phương pháp nối liền các mạch máu với nhau, bác sỹ Carrel đã tiến hành thử nghiệm hàng nghìn ca ghép các bộ phận sống, và thí nghiệm được biết tới nhiều nhất là việc thay một chiếc chân của một con chó đen bằng chân của một con chó trắng, hay ghép đầu của một con chó này với một con chó khác... Mặc dù rất nỗ lực, song phần lớn những ca cấy ghép các bộ phận các loài vật của ông đều thất bại. Carrel cho rằng có một lực cản sinh học ngăn trở nhận tạng.


Tuy thất bại nhưng những ý tưởng của bác sĩ Carrel vẫn rất quan trọng, nó đã mở đầu cho những nghiên cứu sau này của ngành phẫu thuật và đưa phẫu thuật tiến lên một đỉnh cao mới.


Đó là, đến năm 1940, nhà nghiên cứu Peter Medawar - (người đoạt giải Nobel Y học năm 1960) đã chỉ ra rằng: Các bộ phận trong cơ thể con người đều mang một sắc tố miễn dịch giúp cơ thể nhận ra và đào thải mọi sự xâm nhập lạ, chỉ trừ trường hợp bộ phận cấy ghép đó giống hệt.


Sau đó, những năm 50, 60 của thế kỷ 20, nhà miễn dịch học người Pháp Jean Dausset (người đoạt Giải Nobel Y học năm 1980) đã chứng minh sự đáp ứng miễn dịch đó là do các kháng nguyên HLA. Các kháng nguyên này là một phức hợp các protein ở bề mặt các tế bào khắp cơ thể. Chúng kích thích việc sản xuất các kháng thể để chống lại bệnh tật bằng cách giúp hệ thống miễn dịch nhận diện các tế bào lạ và thải bỏ. Khám phá này cho phép các bác sĩ phẫu thuật phân tuýp các tế bào và xem cơ thể người bệnh có chịu tiếp nhận hoặc thải bỏ các mô từ người hiến tạng hay không. Ngày nay, việc phân tuýp HLA được dùng rộng rãi cho ghép tạng nhiều loại như thận, gan, tim... Sự thành công của việc ghép tạng càng cao khi người nhận và người hiến tạng có cùng các tuýp HLA.


Các nghiên cứu khoa học khác


Năm 1912, bác sỹ Carrel bắt đầu nghiên cứu việc bảo quản các cơ quan động vật dùng để cấy ghép. Ông đã lấy một số mô của gà (sinh vật thông thường có thể đạt đến tuổi thọ trung bình là 11 năm) và giữ tất cả các tế bào của chúng sống một cách hết sức đơn giản bằng cách loại bỏ các chất thải của chính chúng, đồng thời cung cấp thường xuyên các chất dinh dưỡng cần thiết. Kết quả là những tế bào này tiếp tục sống trong 34 năm, lâu hơn tuổi thọ trung bình của loài gà.


Một mẫu tem in hình ông Carrel.


Ngoài các nghiên cứu về bảo quản các cơ quan dùng để ghép tạng, trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, bác sỹ Carrel cùng nhà hóa học người Anh Henry Dakin đưa ra phương pháp Carrel-Dakin giúp khử trùng vết thương hữu hiệu.

 

Với những đóng góp của mình, bác sỹ Carrel đã được nhận giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 1912, được trao tặng Bắc đẩu bội tinh.  Ông mất ngày 5/11/1944 tại Paris, Pháp.


Để tưởng nhớ những phát minh khoa học mang tính đột phá của ông, năm 1972, bưu điện Thụy Điển in hình ông trong loạt tem về giải thưởng Nobel. Năm 1979, tên bác sỹ Carrel đã được đặt cho một ngọn núi lửa trên Mặt trăng. Năm 2002, Đại học Y Nam California đã thành lập giải thưởng Linbergh - Carrel để vinh danh những nhà khoa học có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực trao đổi hô hấp tuần hoàn ngoại.



Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

 

 

 

Tòa thành đá độc nhất vô nhị tại Việt Nam
Tòa thành đá độc nhất vô nhị tại Việt Nam

Thành Nhà Hồ - công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn được xem như một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách Việt Nam và khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN