Cố Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru là người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Ông không chỉ là một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của thế kỷ XX, mà còn là một nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học và nhà triết học tài năng. Ông sinh ngày 14/11/1889, cách đây tròn 125 năm.Jawaharlal Nehru (1889 - 1964)
|
Cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru sinh ra Allahabad trong một gia đình quyền quý thuộc đẳng cấp trên. Cha của ông - Motilal Nehru là một luật sư và là nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Quốc đại.
Năm 1905, Jawaharlal Nehru sang Anh học và tốt nghiệp khoa luật Đại học tổng hợp Cambridge năm 1912. Cũng trong năm đó, ông gia nhập Đảng Quốc đại Ấn Độ và tích cực tham gia phong trào giải phóng dân tộc. Khi Mahatma Gandhi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Quốc đại năm 1919, Jawaharlal Nehru trở thành học trò và bạn chiến đấu của Mahatma Gandhi. Hoảng sợ trước vai trò và uy tín của Jawaharlal Nehru đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ấn Độ, thực dân Anh đã bắt giam ông hơn 10 năm kể từ năm 1921. Ngay cả khi ở trong tù, Jawaharlal Nehru vẫn cùng với Mahatma Gandhi lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống thực dân Anh. Với uy tín và tài năng của mình, Jawaharlal Nehru nhiều lần được bầu làm Chủ tịch Đảng Quốc đại (các năm 1929-1930, 1936-1937, 1946, 1951-1954).
Trước ý chí đấu tranh kiên quyết của nhân dân Ấn Độ, đặc biệt là trong phong trào chống thực dân Anh được phát động vào năm 1942 với khẩu hiệu "Bọn thực dân Anh hãy cút khỏi Ấn Độ! Chúng ta hãy hành động hay là chết!", thực dân Anh đã phải ngồi vào bàn thương thuyết với Ấn Độ. Trong cuộc thương thuyết Anh-Ấn năm 1945-1946, đại diện cho nhân dân Ấn Độ, Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru đã cương quyết đấu tranh đòi độc lập cho Ấn Độ. Đến ngày 15/8/1947, thực dân Anh buộc phải trao trả độc lập cho Ấn Độ. Ngày 26/1/1950, nước Cộng hoà Ấn Độ ra đời.
Từ ngày 15/8/1947, khi Ấn Độ được trao trả độc lập, Nehru được Ủy ban toàn Ấn của Đảng Quốc đại cử ra làm Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của nước Ấn Độ mới và đã giữ trọng trách Thủ tướng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng năm 1964.
Trên cương vị Thủ tướng, Nehru đã lãnh đạo Ấn Độ vượt qua bao khó khăn do tình trạng bị chia cắt đất nước và kinh tế lạc hậu. Ông là một trong những người Ấn Độ đầu tiên đã đưa ánh sáng khoa học của thế kỷ chiếu rọi vào lịch sử rất đa dạng, phong phú nhưng cũng đượm màu huyền bí của Ấn Độ; và đã phát hiện ra những mâu thuẫn giữa một bên là tiềm năng vô tận của đất mẹ và một bên là thực tế nghèo nàn của đại đa số nhân dân Ấn Độ. Từ đó, ông đã tìm ra bí quyết của sự sống, sự vĩ đại và trí tuệ vô cùng to lớn của nhân dân Ấn Độ, và nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạc hậu, suy thoái của đất nước dưới ách cai trị của đế quốc Anh.
Jawaharlal Nehru trở thành học trò và bạn chiến đấu của Mahatma Gandhi (phải).
|
Là người chứng kiến sự tàn phá ghê gớm của hai cuộc đại chiến thế giới, Nehru sớm nhận ra rằng chiến tranh gắn liền với chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt. Ông chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế thông qua thương lượng hoà bình. Để đảm bảo hoà bình cho Ấn Độ, ông đã trang bị cho nhân dân Ấn Độ một nền quốc phòng hiện đại.
Jawaharlal Nehru cũng ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập của các nước Đông Dương, Indonesia, và các nước Á-Phi. Hoà bình đối với Nehru là huỷ bỏ các khối quân sự xâm lược, không dùng bạo lực trong quan hệ quốc tế, huỷ bỏ chiến tranh hạt nhân, tiến tới giải trừ quân bị, xoá bỏ chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bảo đảm cuộc sống yên lành cho mọi dân tộc và mọi người trên Trái đất. Ông quan tâm đến việc xây dựng quan hệ quốc tế mới, nhất là giữa những nước đang phát triển với nhau. Nehru là người đã đưa ra sáng kiến triệu tập hội nghị các nước châu Á năm 1947 và là một trong những người sáng lập Phong trào không liên kết. Tình hình thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh nhãn quan xa rộng và nhạy bén chính trị của ông với tầm cỡ một chính khách lớn thế giới.
Chính sách hòa bình không liên kết, chống đế quốc của ông đã mang lại uy tín lớn lao cho đất nước Ấn Độ, đồng thời góp phần làm dịu tình hình căng thẳng trên thế giới, củng cố hòa bình và hợp tác giữa các nước.Đối với nhân dân Việt Nam, tên tuổi của Jawaharlal Nehru và các nhà cách mạng khác của Ấn Độ đã trở nên rất quen thuộc.
Ngay từ năm 1943, khi còn trong nhà tù của Quốc dân Đảng Trung Hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến người bạn chiến đấu Ấn Độ chưa từng gặp mặt và viết bài thơ “Gửi Nêru”:
Lúc tôi phấn đấu, anh hoạt động,
Lúc anh vào ngục, tôi ngồi tù;
Muôn dặm xa xôi, chưa từng gặp mặt,
Những mối giao cảm sâu xa đã sẵn trong chỗ không lời
Cảnh ngộ của chúng ta vốn giống nhau
Nhưng không giống nhau lại cũng là ở cảnh ngộ;
Tôi, trong nhà tù của người bè bạn,
Còn anh, trong xiềng xích của kẻ thù.
Trong khi đó, Nehru cũng luôn luôn theo dõi và dành cho cuộc đấu tranh vì độc lập của nhân dân Việt Nam sự ủng hộ nhiệt tình và quý báu. Ông đã lên án mạnh mẽ việc chính phủ Anh dùng quân đội Ấn Độ để giúp thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Chính ông đã ra lệnh cấm máy bay quân sự Pháp sử dụng các sân bay Ấn Độ trên đường tới Việt Nam. Ông đã tham gia tích cực vào cuộc vận động lập lại hoà bình ở Đông Dương và chấm dứt cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Chính ông cũng là vị thượng khách đầu tiên đến thăm Hà Nội sau khi thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mới giải phóng được 1 tuần lễ. Ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị bền chặt Ấn Độ và Việt Nam.
Jawaharlal Nehru không chỉ là một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của thế kỷ XX, mà còn là một nhà văn hóa, khoa học và triết học tài năng. Ông đã để lại cho đất nước Ấn Độ và nhân loại một di sản văn hóa lớn. Các tác phẩm của ông thể hiện trí tuệ triết học sâu sắc và niềm tin bất diệt ở tiến bộ xã hội, như cuốn “Tiểu sử tự thuật” (năm 1936), “Sự thống nhất Ấn Độ” (năm 1941), “Sự phát hiện Ấn Độ”… Đặc biệt trong tác phẩm “Sự phát hiện Ấn Độ” nổi tiếng khắp thế giới, Nehru đã đi sâu tìm hiểu “tính sách dân tộc Ấn” và những giá trị to lớn của nền văn hóa Ấn Độ. Ông đã đưa ra những ý kiến sắc sảo về sự “không đoạn tuyệt” “không bao giờ quên” những di sản huy hoàng trong quá khứ của đất nước Ấn Độ. Mặc dù đề cao quá khứ, nhưng Nehru không bao giờ coi văn hóa dân tộc là sự biệt lập. Ông luôn kêu gọi: “Phải chiếm lĩnh những thành tựu của loài người, “Phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới”. Trong di chúc của mình, Nehru đã có một cái nhìn trí tuệ và đầy hình tượng về đất nước Ấn Độ thân yêu của mình: “Sông Hằng luôn luôn là biểu tượng của nền văn hóa và văn minh Ấn Độ, luôn luôn thay đổi, chảy mãi không ngừng, nhưng mãi mãi vẫn là sông Hằng”.
Nehru qua đời ngày 27/5/1964 sau một cơn đau tim nặng. Thi hài ông được hỏa táng, tro được đem trải khắp đồng ruộng Ấn Độ và được thả xuống dòng sông Hằng ở nơi thành phố quê hương ông.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN