Bàu Bàng - vùng đất của những chiến công

Trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, có nhiều vùng đất đã đi vào huyền thoại với những trận đánh oai hùng. Và địa danh Bàu Bàng, thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với chiến thắng lịch sử Bàu Bàng ngày 12/11/1965, là một trong số đó. Chiến thắng Bàu Bàng là một điểm son trong trận đầu thắng Mỹ trên chiến trường Đông Nam Bộ.
 

Bàu Bàng - vùng đất của những chiến công


Sau thất bại ở Bình Giã, Đồng Xoài và nhiều nơi khác ở chiến trường miền Nam, nguy cơ phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đang hiển hiện từng ngày. Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã tung vào Việt Nam Sư đoàn 1 bộ binh được mệnh danh là “Anh cả đỏ”. Đây là sư đoàn đã từng tham gia 2 cuộc chiến tranh thế giới và luôn bất khả chiến bại - được trang bị vũ khí hiện đại nhất, tinh nhuệ nhất. Cùng với đó là Sư đoàn 25 bộ binh cơ giới vào chiến trường Việt Nam từ giữa năm 1965 để tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ với mục tiêu “Tìm diệt - Bình định - Đánh gãy xương sống Việt cộng”.

Trước tình hình đó, bộ chỉ huy miền quyết định thành lập 2 sư đoàn chủ lực đầu tiên ở miền Nam, đó là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9. Như vậy, trên chiến trường Bình Dương năm 1965 đến 1966, ngoài tiểu đoàn Phú Lợi, các đại đội huyện, các trung đội, tiểu đội du kích tập trung của xã còn có lực lượng chủ lực miền gồm: trung đoàn Đồng Nai, trung đoàn 5, sư đoàn 9, sư đoàn 5 và đoàn 69 pháo binh.


Ngày 12/7/1965, "Anh cả đỏ" đã có mặt chốt giữ tại Lai Khê (Bến Cát) nhằm càn quét dọc hai bên quốc lộ 13 và thăm dò lực lượng của ta. Ngày 11/ 11/1965, trinh sát của Sư đoàn 9 (thuộc Bộ Chỉ huy Miền) nắm được thông tin "Anh cả đỏ" đang chuẩn bị tổ chức càn quét lên hướng Chơn Thành (Bình Phước). Ngay trong ngày 11/11, đặc công của Sư đoàn 9 đã liên hệ với lực lượng bộ đội địa phương tổ chức theo dõi sự di chuyển của chúng và ra mệnh lệnh cho các đơn vị hiệp đồng chặt chẽ, tấn công địch ngay trong đêm ngày 11, rạng ngày 12/11/1965.


Kết thúc trận Bàu Bàng, 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn tăng - thiết giáp, 1 đại đội pháo binh và toàn bộ Sư đoàn bộ binh "Anh cả đỏ" của Mỹ đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Ảnh minh họa.


Tuân lệnh Bộ chỉ huy, đúng 5 giờ sáng ngày 12/11, các đơn vị đã đồng loạt khai hỏa.


Pháo của ta bắn chính xác vào trận địa địch. Ngay từ loạt bắn đầu tiên, pháo của ta đã phá hủy nhiều xe tăng. Bị đánh bất ngờ sau khi tổ chức lại đội hình, địch điên cuồng phản công. Do dự đoán trước tình hình, phía ta tăng cường thêm hai tiểu đoàn đến trận địa tiếp tục tấn công mãnh liệt vào đội hình quân đội Mỹ. Tuy nhiên, phải đến khi một trung đội bộ binh của Tiểu đoàn 1 với chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh” dũng cảm thọc sâu vào Sở chỉ huy Lữ đoàn và trận địa pháo của Mỹ thì mới quyết định cục diện trận đấu. Sở chỉ huy bị đánh, quân lính Mỹ hoang mang bỏ chạy tán loạn. Đến khoảng 10 giờ, quân ta chiếm lĩnh hoàn toàn trận địa.


Kết thúc trận Bàu Bàng, 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn tăng - thiết giáp, 1 đại đội pháo binh và toàn bộ Sư đoàn bộ binh "Anh cả đỏ" của Mỹ đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Trên 2.000 lính Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu, gần 40 xe tăng và 8 khẩu pháo hạng nặng bị bắn cháy hoặc phá hủy.


Có thể nói, trận Bàu Bàng một nỗi đau trong lịch sử của Sư đoàn 1 bộ binh của Mỹ. Một đơn vị được mệnh danh là “Anh cả đỏ” bất khả chiến bại, đã phải thảm bại trước một đội quân vừa mới được thành lập không lâu. Thất bại này đã biến âm mưu bình định miền Nam Việt Nam trong 18 tháng của chính quyền Giôn-xơn xem như đã bị phá sản hoàn toàn.


Về phía quân đội ta, chiến thắng Bàu Bàng thực sự là một chiến công chói lọi, làm nức lòng quân và dân cả nước. Song ý nghĩa to lớn từ chiến thắng này không chỉ dừng lại ở đó. Thắng lợi của trận Bàu Bàng giúp cho nhân dân trong tỉnh nói riêng, người dân khu vực miền Nam nói chung có thêm động lực, can đảm đứng lên đánh đuổi kẻ thù, giành lấy hòa bình độc lập.


Bàu Bàng chuyển mình phát triển


Tượng đài tưởng niệm chiến thắng Bàu Bàng ngày nay. Ảnh: thuvienbinhduong.


Gần 5 thập niên đã đi qua kể từ trận đánh oai hùng ấy, cùng với sự chuyển mình phát triển đi lên của tỉnh Bình Dương, Bàu Bàng đã thay da đổi thịt. Vùng đất đầy bom đạn năm xưa đang mang hơi thở của cuộc sống mới, cuộc sống của những con người hăng say lao động và tận hưởng những thành quả lao động của mình với các tiện nghi của xã hội.


Bàu Bàng hôm nay, hòa quyện hình ảnh của các nhà máy sản xuất là màu xanh của rừng cao su bạt ngàn, mỗi ngày đem dòng nhựa trắng làm giàu cho người dân. Hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển công nghiệp, nâng cao đời sống của người dân, những năm qua, Bàu Bàng được tỉnh Bình  Dương, huyện Bến Cát quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều tuyến đường được nhựa hóa, 1 số công trình đô thị đã và đang được hình thành, các công trình phúc lợi xã hội như trường học, chợ, trạm xá, thiết chế văn hóa được quan tâm.


Đặc biệt, với sự kiện lễ công bố thành lập huyện Bàu Bàng ngày 29/3/2014, lịch sử ở đây sẽ bước sang trang mới hứa hẹn nhiều thành tựu mới.


Giờ đây, khi hòa bình, cái tên “Bàu Bàng chiến công vang dội” đã được thay thế bằng cách gọi “Bàu Bàng huyện mới phát triển”. Một vùng đất đang chuyển mình phát triển với nhiều thử thách, nhưng phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, tinh thần đoàn kết chung sức chung lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quyết tâm nỗ lực xây dựng quê hương Bàu Bàng thêm giàu đẹp.

 


Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN

Tính độc đáo sáng tạo trong tác phẩm của Dostoevsky
Tính độc đáo sáng tạo trong tác phẩm của Dostoevsky

Cách đây 193 năm, ngày 11/11/1821, nhà văn thiên tài của nước Nga Fyodor Dostoevsky - một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Nga và thế giới thế kỷ XIX - đã cất tiếng khóc chào đời tại Moskva.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN