Vụ gọi điện thoại lừa đảo: Vì sao các đối tượng lừa đảo có thông tin cá nhân của phụ huynh?

Liên quan đến hành vi lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn phải cấp cứu và đề nghị chuyển tiền tạm ứng viện phí, nhiều phụ huynh lo lắng về việc bảo mật thông tin cá nhân của học sinh trong nhà trường.

Trước những lo lắng về việc thông tin của học sinh trong nhà trường bị lộ ra ngoài, chiều 9/3, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh khẳng định, dữ liệu ngành giáo dục được quản lý rất chặt và việc lộ lọt thông tin từ ngành giáo dục là không có.

Chú thích ảnh
Phụ huynh lo lắng về việc bảo mật thông tin cá nhân của học sinh trong nhà trường. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, dữ liệu thực hiện trong công tác chuyển đổi số được ngành giáo dục thực hiện nghiêm ngặt theo quy định bảo mật; có ban hành quy chế phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị.

“Việc đăng nhập tài khoản được ghi nhận dấu vết trên hệ thống cho nên việc sử dụng gây lộ lọt từ ngành giáo dục là không có”, ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh.

Ông Hồ Tấn Minh cũng cho biết, Sở đã phối hợp với nhà trường làm việc trực tiếp với những phụ huynh bị gọi điện thoại lừa đảo để kiểm chứng xem có bị lộ thông tin từ cơ sở giáo dục hay không thì những thông tin đối tượng cung cấp không đúng so với thông tin phụ huynh cung cấp cho nhà trường và được quản lý trên hệ thống. Chẳng hạn như học sinh đang học lớp 9 nhưng thông tin cập nhật của đối tượng lừa đảo thì đang học lớp 7.

"Hiện nay, ngoài những kênh thông tin chung của nhà trường thì phụ huynh còn thành lập các nhóm viber, zalo để thông tin với nhau. Vì thế, có thể trong quá trình phụ huynh thành lập nhóm hay đăng thông tin lên mạng xã hội dẫn đến một số thông tin có thể bị lọt ra ngoài", ông Hồ Tấn Minh nói.

Lý giải nguyên nhân vì sao các đối tượng có được thông tin của phụ huynh và học sinh, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng, thông tin cá nhân của học sinh có thể bị lọt ra ngoài qua nhiều cách khác nhau, như do lỗ hổng bảo mật, do nhân viên của các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng thu nhập thông tin và bán lại dữ liệu cá nhân khi phụ huynh làm thẻ khách hàng ở khu vui chơi, cửa hàng ăn uống, trung tâm ngoại ngữ…

“Đối với các cơ quan nhà nước như các cơ sở giáo dục, việc sử dụng, quản lý thông tin luôn đảm bảo tính bảo mật rất cao”, Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định.

Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh khuyến cáo: Nếu phụ huynh nhận được bất kỳ thông tin gì cũng nên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm hoặc qua đường dây nóng của mỗi trường để xác minh.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Cảnh báo nguy cơ lừa đảo liên quan ChatGPT
Cảnh báo nguy cơ lừa đảo liên quan ChatGPT

Ngày 8/3, công ty an ninh mạng Darktrace của Anh cảnh báo công cụ trò chuyện ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đã làm gia tăng các vụ lừa đảo trên không gian mạng với những thủ đoạn hết sức tinh vi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN