Tiêu chí an toàn cho trẻ em tại các khu chung cư cao tầng

Bạn đọc hỏi: Để bảo vệ trẻ em, tại các khu chung cư cao tầng cần đảm bảo các biện pháp an toàn như thế nào?

Chú thích ảnh
Hình ảnh bé gái trèo qua lan và được một thanh niên cứu sống khi rơi xuống.

Theo Cục trẻ em, những vụ tai nạn khi trẻ rơi từ trên cao đã xảy ra không ít, nhất là tại các khu chung cư.

Khi sinh sống tại các khu chung cư cao tầng, để đảm bảo tính mạng cho con em, cha mẹ nên lưu ý một số điều như sau:

Ban công phải cao: Trong những lưu ý đặc biệt khi ở nhà chung cư, ban công là một trong những nơi cần được quan tâm nhất. Lan can ban công nhà cao tầng tối thiểu phải cao 1,1m. lan can được làm thanh dọc, tuyệt đối không làm thanh ngang phòng trường hợp trẻ nghịch ngợm, thích leo trèo.

Cửa sổ tối thiểu cao từ 1m: Bên cạnh đó, chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ cao từ 1m trở lên tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ. Cửa sổ phải lắp đặt thêm chấn song hoặc lưới an toàn ở ban công. Các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có thanh chắn có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm.

Các cửa chính, cửa sổ cần phải có chốt khóa an toàn. Các gia đình cũng không được kê giường, tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ, ngoài ban công nhằm hạn chế việc trẻ con trèo lên cửa sổ, bàn ghế gây tai nạn.

Để đảm bảo an toàn, các gia đình có trẻ nhỏ nên lắp đặt lưới bảo vệ an toàn để đảm bảo thẩm mỹ và tạo sự thông thoáng. Hơn nữa trong trường hợp khẩn cấp, người bên trong căn hộ muốn thoát hiểm có thể dùng kìm cắt lưới dễ dàng.

Thực tế có một số gia đình thường xuyên bế trẻ ra ban công ăn uống, đứng chơi. Điều này dễ tạo ra cho trẻ thói quen xấu, không ý thức được sự nguy hiểm khi ở vị trí cao. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ hiếu động, thường khám phá ra những khu vực mới mẻ nhưng lại đầy nguy hiểm để chơi trốn tìm, thả diều… như sân thượng tại các khu tập thể cũ, nhà cao tầng. Khu vực này thường không có rào chắn hoặc tường bao rất thấp nên nếu không để ý rất dễ xảy ra tai nạn.

Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, bên cạnh việc triển khai các biện pháp an toàn trong căn hộ, cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống tại các khu nhà cao tầng. Với trẻ từ 0 – 6 tuổi, do chưa thể dạy chúng kỹ năng thoát hiểm nên phụ huynh phải thường xuyên để mắt đến trẻ nhỏ; tuyệt đối không để trẻ ở nhà một mình vì điều này dễ khiến trẻ hoảng sợ, lo lắng và hay tìm cách thoát ra ngoài tìm người thân…

Năm 2020, Cục Trẻ em đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội và các địa phương rà soát các quy định, thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em; chủ động phòng, chống tai nạn thương tích tại các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng.
Vài năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng liên quan đến trẻ em do rơi, ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng. Mới đây nhất là ngày 28/2, một bé gái 2 tuổi ở tầng 13 của tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân (Hà Nội), đã bò qua lan can, sau đó ngã xuống. Rất may mắn, một thanh niên tên là Nguyễn Ngọc Mạnh trông thấy và leo lên mái tôn ở tầng 1, kịp thời đỡ, cứu sống cháu bé.

 

XL/Báo Tin tức
Hà Nội đề xuất trao bằng khen đột xuất cho thanh niên cứu cháu bé rơi từ tầng 13
Hà Nội đề xuất trao bằng khen đột xuất cho thanh niên cứu cháu bé rơi từ tầng 13

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, các cơ quan chức năng đang làm thủ tục trình Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố ký trao Bằng khen đột xuất cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh vì thành tích cứu người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN