Thủ tục đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân gắn chíp

Bộ Công an vừa có chủ trương triển khai cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử thay thế thẻ CCCD có mã vạch. Vậy những trường hợp nào phải đổi thẻ CCCD có mã vạch sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử?

Ông Nguyễn Văn Bình, xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy (Thái Bình) có hỏi, năm nay ông đã 60 tuổi, đã có thẻ CCCD năm 2019. Theo quy định của Luật CCCD 2014, công dân ngoài 60 tuổi không phải đổi thẻ CCCD, trong khi đó, Bộ Công an đang có chủ trương triển khai cấp thẻ CCCD có gắn chíp điện tử thay thế thẻ CCCD có mã vạch.

Vậy những trường hợp nào phải đổi thẻ CCCD có mã vạch sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử? Những người đã được cấp thẻ CCCD có mã vạch nhưng vẫn còn hạn sử dụng thì có phải đổi sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử không? Trường hợp ngoài 60 tuổi như ông Bình đã làm thẻ CCCD có mã vạch có phải đổi sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử không?

Về trường hợp này, Bộ Công an đã có hướng dẫn cụ thể như sau:

Theo quy định của Luật CCCD và pháp luật hiện hành, công dân Việt Nam vẫn được sử dụng 3 loại thẻ (Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số và CCCD mã vạch) đến khi thẻ hết giá trị sử dụng. Như vậy, đối với trường hợp công dân ngoài 60 tuổi và đã có thẻ CCCD thì không phải đổi thẻ.

Chú thích ảnh
3 loại giấy tờ cũ vẫn có thể sử dụng khi hết thời hạn. Ảnh: Bộ Công an.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử.

Thẻ CCCD gắn chíp dự kiến sẽ phát hành vào tháng 1/2021. Cụ thể các bước đổi chứng minh nhân dân sang thẻ CCCD gắn chíp như sau:

Bước 1: Công dân đến địa điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại CCCD; xuất trình sổ hộ khẩu, các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền để chứng minh nội dung thông tin của công dân.

Bước 2: Cán bộ thu nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân từ “Phiếu thu nhận thông tin CCCD” trong phần mềm cấp CCCD đã được cập nhật, đồng bộ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với thông tin trong sổ hộ khẩu, giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh nội dung thông tin của công dân để xác định chính xác người được cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân.

Bước 3: Công dân nộp lại CMND cũ và nộp lệ phí đổi, cấp lại thẻ CCCD gắn chíp theo quy định.

Trường hợp CMND còn rõ nét, cán bộ tiến hành cắt góc và trả lại cho công dân khi trả thẻ CCCD mới. Nếu CMND bị hỏng, bong tróc thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải thu và hủy.

Bước 4: Cán bộ cơ quan quản lý CCCD cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD cho người đến làm thủ tục.

Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ CCCD đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan công an lập danh sách, phối hợp với bưu điện để thực hiện và công dân phải trả phí chuyển phát theo quy định.

Thời hạn giải quyết: Trong dự thảo Thông tư mới này của Bộ Công an không quy định rõ về thời hạn giải quyết giống như quy định về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD trước đây. Tuy nhiên, dự thảo này cũng quy định về thời hạn cấp Giấy xác nhận số CMND là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

TN/Báo Tin tức
Lợi ích của thẻ căn cước công dân gắn chíp
Lợi ích của thẻ căn cước công dân gắn chíp

Từ ngày 1/11/2020, Bộ Công an triển khai làm thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Loại thẻ này có độ bảo mật cao, giảm thiểu nguy cơ về giả mạo giấy tờ cùng nhiều lợi ích khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN