Thu nhập bao nhiêu ở Hà Nội được xếp là hộ nghèo?

Bạn đọc hỏi: Thu nhập bao nhiêu tại Hà Nội được xác định là hộ nghèo? Tôi sống tại một quận nội thành Hà Nội và thu nhập 2,4 triệu đồng/tháng và thiếu 3 dịch vụ cơ bản có được xếp là hộ nghèo không?

Chú thích ảnh
Phát tiền hỗ trợ cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại Hà Nội.

Về vấn đề này, báo Tin tức thông tin như sau:

UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 13/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, UBND thành phố quy định rõ 2 tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, áp dụng trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tiêu chí về thu nhập đo lường nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn là 2 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt các dịch vụ cơ bản, gồm: Các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin).

Căn cứ vào tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, thì ở khu vực nông thôn, chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có mức thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Còn ở khu vực thành thị, chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có mức thu nhập từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có mức thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Ở khu vực thành thị, chuẩn hộ cận nghèo là hộ gia đình có mức thu nhập từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập từ trên 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Ở khu vực đô thị, chuẩn hộ có mức sống trung bình là hộ gia đình có thu nhập từ trên 2,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập, các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, làm cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Đó cũng là căn cứ để các cơ quan, đơn vị chức năng hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025.

Đối tượng áp dụng theo Quyết định số 13/2021 là những gia đình đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

Trong khi đó, theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2022 - 2025, hộ gia đình được coi là hộ nghèo nếu đáp ứng các tiêu chí: Thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; Thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin).

Điều này đồng nghĩa mức chuẩn nghèo của Hà Nội về thu nhập quy định cao hơn chuẩn nghèo chung của toàn quốc. Do đó, căn cứ vào quy định trên, nếu xét theo quy định của Chính phủ thì bạn không phải là hộ nghèo, nhưng theo quy định của Thành phố Hà Nội thì bạn vẫn là hộ nghèo đa chiều và sẽ nhận được các chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù của Thành phố.

XM/Báo Tin tức
Mức lương bình quân tại Hà Nội hiện là bao nhiêu?
Mức lương bình quân tại Hà Nội hiện là bao nhiêu?

Trên cơ sở báo cáo từ 6.227 doanh nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tổng hợp về tình hình tiền lương năm 2021. Theo đó mức thấp nhất là 4,75 triệu đồng, mức lương cao nhất là trên 185 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN