Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2001 - 2022, toàn quốc xảy ra gần 60.000 vụ cháy, nổ, trong đó có gần 50.000 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân...; 344 vụ nổ và trên 9.800 vụ cháy rừng), làm chết 1.910 người, bị thương hơn 4.400 người. Về tài sản thiệt hại ước tính trên 26.000 tỷ đồng và trên 61.000 ha rừng có giá trị kinh tế.
Nguyên nhân cháy được xác định đến từ sự cố điện là 45,5%; do sơ suất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (bếp gas, xăng, dầu...) chiếm hơn 26% và 1,7% đến từ việc vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Kỹ năng thoát nạn
Sau sự cố thương tâm vừa xảy ra tại chung cư mini Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), loại hình nhà ở tập trung, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh được xác định là một trong những loại hình nhà ở tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ nhất. Do đó, việc trang bị những giải pháp đảm bảo an toàn và kỹ năng thoát nạn sẽ góp phần đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân.
Những sai lầm cần tránh khi thoát thân
Tâm lý hoảng loạn là điều dễ thấy khi có cháy xảy ra. Điều này dễ dẫn đến những cách thoát thân sai lầm. Trong đó, việc phá cửa (nhất là những cánh cửa có cảm giác ấm khi chạm vào) là điều cần tránh nhất. Theo các chuyên gia, việc mở cửa sẽ giúp cung cấp thêm oxy cho ngọn lửa, khiến đám cháy ngày một lớn hơn. Thay vào đó, nên tìm một lối thoát nơi ngọn lửa chưa lan tới hoặc cửa sổ nếu thấy an toàn. Trong trường hợp buộc phải mở cửa, hãy cố gắng đóng lại để đám cháy không lan rộng hơn.
Nếu quần áo trên người bắt lửa, theo phản xạ tự nhiên, nhiều người cố vùng vẫy hoặc bỏ chạy để dập lửa. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến lửa lan rộng hơn, nhất là khi di chuyển qua những vật và đồ bắt cháy khác. Việc được khuyên lúc này là hãy bình tĩnh, nằm xuống và lăn tròn cho đến khi lửa tắt.
Ngoài ra, việc cố gắng chữa cháy một mình, cố gắng phá cửa sổ từ bên ngoài, di chuyển vật dụng đang cháy ra khu vực khác... cũng là những hành động tuyệt đối nên tránh khi có hỏa hoạn xảy ra.
Hướng dẫn sử dụng bình cứu hỏa
Hiện nay, đa phần các nhà ở, mô hình kinh doanh đều đã trang bị đầy đủ các vật dụng chữa cháy, đặc biệt là bình chữa cháy. Tuy nhiên, việc sử dụng và bảo quản đúng cách cũng là điều vô cùng quan trọng.
Theo Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng, cán bộ chuyên môn PCCC, việc tra cứu tem kiểm định trên mỗi bình chữa cháy rất cần thiết. Sau khi sức mua của người dân tăng vọt, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng tâm lý này để kinh doanh sản phẩm kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều hiểm họa.
Thời gian qua, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã xây dựng và triển khai phần mềm quản lý công tác kiểm định phương tiện PCCC. Người dân có thể nhập mã tem trên sản phẩm, tra cứu tại địa chỉ: https://tracuu.canhsatpccc.gov.vn/. Việc này có thể giúp người tiêu dùng xác định được chính xác thời gian, nguồn gốc, xuất xứ chính xác.
Phòng hơn chống
Bên cạnh những kỹ năng thoát nạn và chữa cháy, việc xây dựng các biện pháp phòng tránh cũng cần được chú trọng. Hiện nay, tại nhiều địa phương tập trung đông dân cư như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh..., nhiều điểm chữa cháy công cộng, các tổ liên gia PCCC đã được thành lập, nhằm ứng phó kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra.
Ngoài ra, tại mỗi gia đình, cần tự trang bị các dụng cụ chữa cháy gồm: Bình dung dịch loại bọt, thang dây thoát hiểm hạ chân, bình chữa cháy ban đầu, mặt nạ phòng độc, búa thoát hiểm... Đây đều là những vật dụng dễ tìm mua trên thị trường và không chiếm quá nhiều diện tích trong căn nhà.