Doanh nghiệp vẫn lúng túng khi giảm thuế VAT, Bộ Tài chính phản hồi ra sao?

Bạn đọc hỏi: Trong khi người dân mong mỏi được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), một số doanh nghiệp vẫn lúng túng triển khai do không thể nắm rõ mặt hàng nào thuộc danh mục được giảm thuế VAT, mặt hàng nào không, hoặc gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế VAT 8%.

Chú thích ảnh
Đối với các mặt hàng, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế, khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, cơ sở kinh doanh cần lập hóa đơn với thuế suất 8% và giao cho người mua.

Hiện, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn rối trong việc tra mã hàng hóa, nhất là những doanh nghiệp có quá nhiều mặt hàng. Trong khi đó, hệ thống mã kinh tế mà kế toán và doanh nghiệp đang áp dụng thường chỉ tới cấp 4, cấp 5, còn lấy mã số hàng hóa, dịch vụ chi tiết tới 7 số là quá khó cho doanh nghiệp. Có trường hợp tra không trùng mã tưởng được áp dụng thuế VAT 8% nhưng thực tế lại phải kết hợp thêm diễn giải mới biết được áp 8% hay 10%?

Báo Tin tức trả lời vấn đề này như sau: 

Nghị dịnh số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đã có hiệu lực từ ngày 01/02/2022. Tuy nhiên qua khảo sát còn rất nhiều người dân, doanh nghiệp chưa nắm được quy định này. 
Chiều 3/3, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Nghị định 15 đã quy định loại trừ 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT và chi tiết tại 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định. “Về nội dung phản ánh liên quan đến giá của hàng hóa tại các chợ dân sinh, tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã quy định trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi xuất hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.  

Để Nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành và sẽ không ban hành Thông tư hướng dẫn. Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn, giải quyết.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), không phải tất cả các hàng hóa, dịch vụ đều được giảm thuế VAT. Do đó, cơ sở kinh doanh cần căn cứ mã ngành nghề, mặt hành kinh doanh tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để đối chiếu với Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam, Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 15 để xác định các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% được giảm thuế VAT xuống còn 8%.

Hàng hóa nào không được giảm thuế?

Dịch vụ trong hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản.

Các sản phẩm kim loại và các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng gồm than cứng, than đá, dầu thô, quặng kim loại, đá xây dựng và trang trí, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất gồm sơn, mực in, mỹ phẩm, nước hoa, xà phòng, bột giặt, dầu gội đầu, kem đánh răng, keo xịt tóc...

 Những nhóm mặt hàng, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt: rượu, bia, thuốc lá, xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi, xe môtô 2 - 3 bánh có dung tích trên 125 cm3, xăng các loại, điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; dịch vụ kinh doanh vũ trường, massage, karaoke; xổ số, đặt cược, casino...

Mặt hàng công nghệ thông tin: máy vi tính, máy tính xách tay, ổ lưu trữ, điện thoại di động, máy tính bảng, sản phẩm điện tử dân dụng, tivi, máy hút bụi, máy giặt…

Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm VAT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế VAT.

Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận: Việc giảm 2% thuế VAT là một chính sách rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Trước đây, các chính sách hỗ trợ cũng là giảm thuế nhưng giảm trực tiếp (thuế trực thu) còn VAT là thuế gián thu, tác động cả đến tiêu dùng, đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đến cung và cầu của nền kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí đầu vào, đầu ra sẽ “dễ thở” hơn có dư địa sản xuất hơn. Còn với người dân, việc giảm thuế VAT tác động gián tiếp đến tiêu dùng, làm cho mặt bằng giá cả tiêu dùng nói chung giảm đi. 

 

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi từ việc giảm thuế VAT
Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi từ việc giảm thuế VAT

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% sẽ kích cầu, người dân tiêu dùng nhiều hơn nhờ giá hàng hóa, dịch vụ giảm tương ứng. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi tốt hơn sau dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN