Hiện thời tiết đang giao mùa, cả trẻ em và người lớn đều rất dễ mắc cúm, bệnh rất dễ lây thành dịch, nhiều trường hợp mắc cúm, nhất là chủng cúm A có nguy cơ bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, các triệu chứng của bệnh cúm cũng dễ gây nhầm lẫn.
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, virus gây bệnh cúm lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.
Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm ước tính có 5- 20% người trưởng thành và 20- 30% trẻ em mắc cúm. Dịch cúm gây ra 3 - 5 triệu ca cúm nặng và 250.000- 500.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau đây để phòng bệnh:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc người nghi ngờ mắc bệnh.
- Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người như siêu thị, bệnh viện, công viên...
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao đề kháng
- Tiêm vaccine phòng cúm. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để ngừa bệnh cúm. Việc tiêm vaccine cúm hàng năm mang lại những lợi ích to lớn, giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm.