“Sớm có cơ chế thu hút đầu tư du lịch cho vùng Tây Bắc”

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch đến vùng Tây Bắc”.

Theo Bộ VHTTDL, năm 2015 vùng Tây Bắc đón 8,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt. Tính gộp cả khách đi lại giữa các địa phương là 13 triệu lượt. Độ dài lưu trú ngắn (dưới 1,5 ngày) chỉ chiếm 5-7% trong tổng lượng ngày/khách của cả nước. Về tính chất, khách đến Tây Bắc chủ yếu là khách nội địa, chi tiêu thấp.

Nguyên nhân lượng khách đến vùng Tây Bắc thấp là do hệ thống sản phẩm du lịch vùng còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn các nhà đầu tư; cơ sở, hạ tầng du lịch thiếu thốn, quy mô nhỏ. Hiện toàn vùng chỉ có 307 cơ sở lưu trú được xếp hạng với 9.000 buồng, công suất trung bình đạt xấp xỉ 60%. Toàn vùng chỉ có 34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hệ thống dịch vụ còn sơ sài.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, được sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án EU đã hỗ trợ Tây Bắc phát triển kỹ năng nghề, quảng bá xúc tiến, xây dựng sản phẩm… Bên cạnh đó là sự truyền thông tích cực trong thời gian gần đây đã thúc đẩy lượng khách tăng trưởng trong thời gian gần đây. Đặc biệt là một số tuyến đi Hà Giang, Mộc Châu, Sa Pa.

“Còn lại các điểm khác mới ở giai đoạn đầu của phát triển du lịch và mang nhiều yếu tố tự phát. Do đặc thù của vùng núi Tây Bắc, nên điểm yếu là hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Do đó, muốn phát triển du lịch, trước hết phải đầu tư hạ tầng du lịch và cần có cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư”, ông Nguyễn Văn Tuấn đề xuất.

Quang cảnh hội thảo

Hiện quy hoạch du lịch vùng Tây Bắc đã được Tổng cục du lịch hoàn thiện, trong đó tập trung vào 12 khu du lịch quốc gia, 6 điểm du lịch quốc gia theo quy hoạch các trung tâm đô thị của vùng. Đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng, các địa phương cần căn cứ trên quy hoạch để kêu gọi đầu tư và có cơ chế ữu đãi. Các tỉnh đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật có chất lượng đẳng cấp, phù hợp với hệ thống sản phẩm đặc trưng Tây Bắc và nâng cấp năng lực cung cấp sản phẩm dịch vụ đa dạng.

Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng giám đốc Công ty du lịch APT Travel cho rằng: “Các địa phương chưa thực sự chủ động hợp tác với các công ty lữ hành để đưa khách đến. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến du lịch còn ít, làm cho nó có chứ chưa đúng đối tượng. Các địa phương cần tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp du lịch, lắng nghe những khó khăn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, nhất là thủ tục hành chính”.

Còn theo bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel, tại một số tuyến điểm “hot” hiện nay đang xảy ra tình trạng giá phòng bị đẩy lên quá cao mùa cao điểm. Do đó, những điểm nào đã xác định quy hoạch du lịch và có lượng khách tăng đều cần có sự tăng cường đâu tư hạ tầng, nhất là nhóm khách sạn tiêu chuẩn 2-3 sao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông mang tính chuyên đề, ẩm thực, con người. Thời gian qua, việc tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang, lễ hội hoa ban ở Điện Biên… đang thực sự tạo động lực thu hút khách.


Xuân Cường
Sôi động tìm tour khuyến mại mùa du lịch hè
Sôi động tìm tour khuyến mại mùa du lịch hè

Ngày 14/4, Hội chợ Du lịch Quốc Tế Việt Nam - VITM đã chính thức khai mạc, mở cửa chào đón khách tham quan, mua sắm. Các doanh nghiệp du lịch tung ra hàng loạt chương trình kích cầu du lịch hè – thu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN