Rút "sao" khách sạn có nên coi là thành tích?

Nhiều chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực du lịch của Chính phủ, nhiều nỗ lực của bản thân ngành du lịch, đã mang tới những khởi sắc cho du lịch Việt Nam năm 2016. Lần đầu tiên Du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế trong một năm. Tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tặng hoa, kỷ niệm chương cho ông Michael Tonge - du khách thứ 10 triệu đến Việt Nam trong năm 2016. Ảnh: TTXVN

5/15 đề cử trong danh sách các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2016, là sự kiện du lịch. Trong đó, sự kiện "rút sao" khách sạn khiến các phóng viên tham gia bình chọn trăn trở nhiều nhất.


Để du lịch thành ngành mũi nhọn


Năm 2016, Bộ Chính trị đã họp và nhất trí ban hành Nghị quyết về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 


Triển khai Nghị quyết quan trọng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao xây dựng Đề án “Phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chỉ đạo. 


Đề án đã được xây dựng trên cơ sở quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, kế thừa kinh nghiệm quốc tế và tiếp thu ý kiến đóng góp của các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch tại nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn.


Cùng với đó, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển Du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, cùng với các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam, diễn ra ngày ngày 9/8/2016,  tại Hội An; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo mang tính đột phá, thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển. 


Trong đó, tập trung cho giai đoạn trước mắt đối với một số nội dung cụ thể về thủ tục nhập cảnh, phát triển hạ tầng giao thông, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch.


Từ những chỉ đạo điều hành này, một luồng gió mới đã đến với du lịch Việt Nam, giúp du lịch Việt Nam "thăng hạng" trong năm 2016. Lần đầu tiên Du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế trong một năm, lượng khách nội địa cũng đạt tới con số 62 triệu lượt khách. Tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.


Đánh giá của ngành Du lịch, đây là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của ngành, khẳng định vị thế và sự đóng góp của ngành Du lịch đối với phát triển kinh tế- xã hội. "Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục từ trước đến nay: Tổng số khách nhiều nhất trong 1 năm (10 triệu lượt khách) và mức tăng tuyệt đối trong 1 năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt khách so với năm 2015)", đại diện lãnh đạo ngành du lịch khẳng định.


Quảng bá hình ảnh Việt Nam 


Sau buổi gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào tháng 8/2016, CNN đã hợp tác với Bộ để cho ra mắt chuyên trang kỹ thuật số "Điểm đến: Việt Nam” (DESTINATION: VIETNAM) nhằm giới thiệu du lịch Việt Nam như một điểm đến tiêu biểu trên chuyên mục Du lịch CNN.com/Travel nổi tiếng của CNN.


Đây là trang kỹ thuật số tổng hợp các bài viết, hình ảnh, video giới thiệu di sản, ẩm thực, con người Việt Nam… do chính các phóng viên, nhà báo của CNN thực hiện và sẽ tiếp tục được cập nhật, bổ sung liên tục.


Trang "Điểm đến: Việt Nam” được CNN giới thiệu tới độc giả tại khu vực Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương. Để thu hút độc giả, CNN đăng những bảng quảng cáo trên trang chính CNN.com và các bài viết trên mạng xã hội như Facebook và Twitter. Đây là sự tiếp theo của chiến dịch quảng bá Việt Nam trên kênh truyền hình CNN tại thị trường Châu Âu vào đầu năm 2016 ngay sau khi Chính phủ miễn thị thực cho 5 nước Châu Âu.


"Việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được ngành văn hóa rất quan tâm. Ngoài việc ra mắt chuyên trang, năm 2016, sự kiện Hollywood quay bộ phim bom tấn "Kong: Skull Island" tại 3 địa danh là những di sản thế giới tại Việt Nam; cũng là một cơ hội tốt để quảng bá cho du lịch Việt Nam. Ngay từ khi mới xuất hiện trailer bộ phim, cũng đã có lượng người xem đến mức kỷ lục. Đó chính là lý do mà ngành văn hóa quyết định đồng ý cho đoàn làm phim được tham gia quay tại 3 di sản thế giới tại Việt Nam, trong khi có nhiều chương trình khác muốn làm tại các khu vực di sản đều bị từ chối. Ở đây, chúng tôi tính đến hiệu quả quảng bá", ông Trần Đăng Khoa, Tổng biên tập báo Văn hóa, Trưởng BTC bình chọn 10 sự kiện VHTTDL, đại diện Bộ VHTTDL, cho biết.


Rút "sao" là sự triệt để trong công tác quản lý 


Đó là khẳng  định của ông Trần Đăng Khoa trước câu hỏi của các phóng viên về việc liệu có nên coi rút "sao" khách sạn là thành tích, hay đây chỉ là việc làm "sửa sai" của ngành du lịch, vì đã phong "sao" cho các khách sạn không đảm bảo.


Ông Trần Đăng Khoa giải thích, theo phân cấp, các khách sạn từ 3 "sao" trở xuống là do Sở Du lịch (hoặc Sở VHTTDL) địa phương cấp; còn từ 3 "sao" trở lên là Tổng cục Du lịch. Đợt kiểm tra đột xuất vừa qua là kiểm tra các khách sạn từ 3 sao trở lên, trong chiến dịch “Thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam”, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú trên toàn quốc.


Điều đáng nói, đây là đợt kiểm tra đột xuất, không phải định kỳ như trước đây. Và cũng chưa từng có đợt nào rút "sao" nhiều và kiên quyết như vậy: Trong thời gian 2 tháng đã rút "sao" của 36 khách sạn từ 3 đến 5 "sao"; 


"Chiến dịch này đã thể hiện quan điểm triệt để của công tác quản lý nhà nước; góp phần nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và những người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ. Từ đó, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, giáo dục ý thức ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện tại các cơ sở lưu trú", ông Trần Đăng Khoa khẳng định.


Theo ông Trần Đăng Khoa, khi gắn "sao", các cơ quan chức năng đều kiểm tra chặt chẽ theo các tiêu chuẩn "sao" của khách sạn; tuy nhiên, trong thời gian hoạt động, các khách sạn có thể có những sự xuống cấp, lỏng lẻo... dẫn tới việc không đảm bảo một số hoặc nhiều tiêu chuẩn; vì vậy phải rút "sao". Việc rút "sao" vì thế không thể gọi là sửa sai.



PT
Nhiều khách sạn Hà Nội bị Tổng cục Du lịch gỡ “sao”
Nhiều khách sạn Hà Nội bị Tổng cục Du lịch gỡ “sao”

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định thu hồi công nhận cơ sở lưu trú 3 sao đối với 8 khách sạn tại Hà Nội và Thái Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN