Thông tin từ Tổng cục ngày 4/8 cho biết tất cả các khách sạn này đều không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tương xứng với số sao đã được công nhận.
Các cơ sở lưu trú bị thu hồi sao trong đợt này gồm có: Khách sạn Sài Gòn, số 80 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm; khách sạn Thương Mại, số 25 Ngọc Khánh, quận Ba Đình; khách sạn Đại Dương, số 48 đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng; khách sạn Kim Liên, số 5-7 Đào Duy Anh, quận Đống Đa; khách sạn Bảo Khánh, số 22 Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm; khách sạn Chìa khóa vàng, số 65 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm.
Tại tỉnh Thái Nguyên cũng có 2 khách sạn bị thu hồi quyết định công nhận 3 sao trong đợt này gồm khách sạn Đông Á II, số 38, tổ 2, Đồng Quang; khách sạn Đông Á III, xóm Cao Khánh, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên.
Hiện nay, cả nước có tổng số hơn 20.100 cơ sở lưu trú với 400.000 buồng, trong giai đoạn 2010-2015 tăng hơn 1,5 lần. Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2010-2015, số lượng các khách sạn từ 3 -5 sao tăng cao hơn mức tăng trung bình chung (tăng 16% đối với khách sạn 5 sao, 14% đối với khách sạn 4 sao và 13% đối với khách sạn 3 sao).
Đến tháng 5/2016, cả nước đã có 101 khách sạn 5 sao, 229 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao… Đầu tư của các tập đoàn lớn như VinGroup, SunGroup, Mường Thanh, FLC, BIM, Tuần Châu... đã góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tại nhiều địa phương trên cả nước.
Việc thu hồi hạng sao với một số khách sạn không đủ điều kiện là hành động thiết thực của Tổng cục Du lịch nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú. Trước đó, Tổng cục Du lịch cũng đã thu hồi sao một số khách sạn tại Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa do vệ sinh không bảo đảm, nhân viên thiếu chuyên nghiệp...
Tổng cục Du lịch cũng nhận định: Hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không, mặt đất và các cảng biển cùng với hệ thống cơ sở vật chất ngành du lịch phát triển đã góp phần kết nối các điểm đến du lịch Việt Nam và quốc tế. Hiện nay đã có 52 hãng hàng không quốc tế từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ với 54 đường bay quốc tế kết nối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang.
Trong đó có sự tham gia của nhiều hãng hàng không giá rẻ, đem lại cơ hội đi du lịch thuận lợi cho du khách. Hiện Việt Nam có 48 đường bay nội địa đã kết nối chặt chẽ các điểm đến du lịch trong cả nước bằng đường hàng không.
Hệ thống đường cao tốc cũng góp phần nâng cao khả năng kết nối và liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, đem lại sự lựa chọn sản phẩm du lịch đa dạng cho du khách. Giao thông đường bộ phát triển đã mang lại cơ hội lớn cho các khu vực nhiều tiềm năng nhưng gặp nhiều khó khăn như vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.