Nhắc đến Hoàn Kiếm là nhắc đến hàng loạt những di tích, điểm đến mang dấu ấn đặc trưng, trong đó phải kể tới: Hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn, Phố cổ Hà Nội, đền Bạch Mã - một trong Tứ trấn Thăng Long, Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà Thờ lớn… Quận Hoàn Kiếm còn rất nhiều các phố nghề, phố ẩm thực, phố chuyên doanh và là lợi thế phát triển du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực. Nếp sống, nếp sinh hoạt mang đậm cốt cách người Tràng An cũng được coi là di sản văn hóa đặc biệt của nơi này.
Hoàn Kiếm còn tạo ra sự khác biệt khi là địa phương đầu tiên của Hà Nội và cũng là một trong những nơi đi đầu cả nước về xây dựng các không gian đi bộ, tạo cơ hội cho người dân và du khách có thêm điểm vui chơi về đêm. Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã trở thành thương hiệu của du lịch Hà Nội, tiếp nối không gian đi bộ kết hợp thương mại Hàng Đào - Hàng Giấy, không gian đi bộ thuộc khu bảo tồn cấp 1 - Phố cổ Hà Nội, sau này tiếp tục mở rộng không gian đi bộ khu vực phía Nam khu Phố cổ Hà Nội. Những ngày cao điểm, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm thu hút hàng vạn người dân và du khách tới tham quan.
Sở hữu nhiều lợi thế văn hóa, quận Hoàn Kiếm đang khai thác những giá trị đó tạo sản phẩm văn hóa du lịch riêng. Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng hay con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân chính là những không gian văn hóa sáng tạo mà ở đó, người ta thổi hồn vào các giá trị văn hóa theo một cách rất riêng. Ngoại trừ không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hai không gian còn lại đều là địa điểm bị lãng quên nhiều năm trước. Gần đây, nhà 22 Hàng Buồm vốn trước là Hội quán của người Hoa được cải tạo thành không gian sáng tạo phục vụ cho các hoạt động triển lãm, giao lưu văn hóa. Hiện tại, quận Hoàn Kiếm đang xúc tiến khai thác khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng làm điểm vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn chia sẻ, định hướng phát triển sản phẩm du lịch của quận tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa di sản, phát huy các giá trị văn hóa lâu đời của người Tràng An, các di tích lịch sử, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn, vừa để gìn giữ vốn quý cha ông để lại, vừa phục vụ người dân và khách du lịch.
Quận đẩy nhanh việc triển khai đề án nâng cao chất lượng tuyến phố “Văn hóa ẩm thực Việt Nam” tại phố Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông; Đề án phát triển, quảng bá di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm; bản đồ chỉ dẫn địa lý về ẩm thực, món ngon, truyền thống phố cổ. Đồng thời, nghiên cứu triển khai đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm theo hướng tổ chức xuyên đêm, có phân loại theo mô hình tổ chức (tổ chức ngoài trời và trong nhà, tổ chức trong các không gian đi bộ và các địa bàn khác của quận…)
Thân thiện và hiếu khách
Trong giai đoạn Việt Nam mở cửa hoàn toàn mọi hoạt động du lịch, quận Hoàn Kiếm tập trung thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn, thu hút khách đến với Hoàn Kiếm và cũng là thu hút khách đến với Thủ đô.
Cùng với việc đưa các không gian đi bộ hoạt động trở lại, quận huy động lực lượng thanh niên, dân phòng, nhân dân các phường cùng lực lượng chức năng trên địa bàn quận chỉnh trang đô thị, dọn vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện ứng xử văn minh, thanh lịch. Ngay người dân trên địa bàn quận cũng mong chờ những ngày đón khách du lịch trở lại, bởi thực tế, hoạt động của rất đông người dân Hoàn Kiếm đều phụ thuộc của du lịch.
Sau chuỗi ngày tạm dừng đón khách, Khách sạn Golden Silk, phố Hàng Gai đã mở cửa, sẵn sàng đón khách trở lại. Chị Phạm Thị Loan, quản lý sảnh - lễ tân của khách sạn cho biết, khi chưa có dịch, Golden Silk thường kín 90 - 95% công suất vào những mùa du lịch nhưng sau đó giảm mạnh. Kể cả thời điểm hết giãn cách, công suất chỉ đạt 5-10%. Bởi vậy, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn mọi hoạt động du lịch, chị Loan kỳ vọng ngành Du lịch dần hoạt động và phục hồi như trước. Khách sạn đã chuẩn bị mọi điều kiện về buồng phòng, dịch vụ, nhân lực để đón khách quay trở lại.
Chuỗi cửa hàng Tân Mỹ Design cũng trên phố Hàng Gai, vốn nổi tiếng với các sản phẩm thêu truyền thống, có bề dày hơn 50 năm kinh doanh trên “phố tơ lụa” của Hà Nội, chị Nguyễn Thùy Linh, Tổng Giám đốc chuỗi cửa hàng cho biết, trong thời gian qua, dù dịch bệnh nhưng chuỗi cửa hàng vẫn cố gắng duy trì hoạt động, tạo việc làm cho nhân viên. Trong thời gian đó, chuỗi cửa hàng vẫn sản xuất một số mặt hàng mới, phù hợp với xu thế mới. Thời điểm hiện nay, khi ngành Du lịch đã khởi sắc, chị Thùy Linh tin tưởng khách sẽ đông trở lại.
Quận Hoàn Kiếm xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển, thích ứng an toàn trong hoạt động du lịch. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn tại các điểm đến và khách du lịch, quận tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Quận còn tăng cường các hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch, chuyển đổi số trong du lịch, hỗ trợ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch. Một tín hiệu vui, từ khi đưa các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hoạt động trở lại, du khách đã đông trở lại, tạo không khí sôi động, nhất là những ngày cuối tuần.