Phát triển du lịch Bắc Ninh nhanh, bền vững - Bài 2: Đa dạng hóa các loại hình du lịch

Cùng với khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, ngành Du lịch Bắc Ninh đã chủ động “làm mới” mình bằng việc nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. Đặc biệt, địa phương đã chủ động “mời gọi” các nhà đầu tư, các đơn vụ lữ hành, kinh doanh du lịch nghiên cứu, trải nghiệm, khai thác, đầu tư các dịch vụ mới.

Chú thích ảnh
Du khách xem rối nước tại Trung tâm bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Phát triển các loại hình du lịch mới

Ở Bắc Ninh nhưng chị Nguyễn Thị Trâm, huyện Quế Võ cho biết trước đây chỉ biết tham quan đình, đền, chùa. Sau khi xem các chương trình du lịch cộng đồng như du lịch tại làng gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ), trải nghiệm rối nước Đồng Ngư (huyện Thuận Thành), tham quan làng tranh dân gian Đông Hồ (huyện Thuận Thành)…, chị thấy rất ấn tượng với các loại hình du lịch mới này.

Có mặt tại buổi tham quan Khu trưng bày rối nước Đồng Ngư, chị Trâm chia sẻ, được trải nghiệm dịch vụ tại đây, chị như lạc vào "bữa tiệc" văn hóa với phần trình diễn rối nước của các nghệ nhân. Khi biểu diễn rối nước, với từng tích trò, những nghệ nhân rối nước Đồng Ngư lại đưa đến cho khán giả những câu chuyện khác nhau. Trong quá trình biểu diễn, tiếng trống, tiếng tù và, tiếng mõ, đàn… cất lên, tạo không khí tưng bừng, rộn rã. Ấn tượng nhất là những tích trò đặc trưng của người Quan họ, những con trò liền anh Quan họ với áo the khăn xếp, liền chị áo tứ thân và nón quai thao kết hợp với giọng hát của các nghệ nhân ca thể hiện tình cảm, sự hiếu khách của người Quan họ càng gây được sự hứng khởi, cuốn hút khán giả.

Sau 7 ngày trải nghiệm tại Khu Bảo tồn văn hóa Luy Lâu, huyện Thuận Thành, em Nguyễn Khoa Bảo Châu, 12 tuổi đến từ thành phố Hà Nội rất ấn tượng. Ở đây em được tìm hiểu và trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian như múa rối nước, bịt mắt bắt vịt, giã gạo, in tranh dân gian Đông Hồ, được học hát Quan họ và têm trầu cánh phượng… Đây là lần đầu tiên em xa bố mẹ nhưng được sinh hoạt, trải nghiệm cùng các bạn giúp em có thêm kỹ năng, có thể tự chăm sóc bản thân và sống hòa đồng với mọi người.

Sự bài trí hợp lý từ khu sinh hoạt, sân chơi, khu tìm hiểu văn hóa dân gian, khu nhà thủy đình biểu diễn múa rối nước, hiện Khu Bảo tồn văn hóa Luy Lâu đã trở thành điểm đến hấp của các du khách gần xa, nhất là các em học sinh. Mang trong mình nhiệt huyết, anh Nguyễn Thành Lai, Giám đốc Khu Bảo tồn văn hóa Luy Lâu đã quy hoạch, xây dựng Khu Bảo tồn thành nơi hội tụ văn hóa dân gian, làng nghề truyền thống của Bắc Ninh. Anh đã sưu tầm, bài trí các vật dụng trong khu trưng bày và nâng cao chất lượng phục vụ với hy vọng, nơi đây sẽ là một trong những địa điểm quảng bá hình ảnh con người, văn hóa vùng quê Kinh Bắc đến du khách.

Cùng với việc tận dụng, phát triển du lịch cộng đồng, việc xây dựng loại hình du lịch sinh thái đang đang là xu hướng của các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thương Đông Đô (huyện Lương Tài) đã dành hàng nghìn m2 để xây dựng Khu du lịch sinh thái với mong muốn phục dựng những không gian xưa cũ của làng quê Bắc Bộ.

Theo ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thương Đông Đô, Khu sinh thái Đông Đô được xây dựng trở thành khu dịch vụ đa năng với các khu trò chơi, khu nghỉ ngơi thư giãn và khu trải nghiệm. Trong đó, điểm nhấn là hệ thống vườn cối đá sinh thái với hơn 3.000 cối đá các loại được sưu tầm, trưng bày. Đặc biệt là Tháp Thần Nông 5 tầng cao 15m được xây dựng từ 1.012 chiếc cối đá, tạo hình hạt lúa vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ mô hình giáo dục văn hóa trải nghiệm.

Chú thích ảnh
Du khách tìm hiểu mô hình rối nước tại Khu bảo tồn rối nước Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Chủ động xây dựng, khai thác các tour du lịch mới

Ông Nguyễn Xuân Côn, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, hàng năm, ngành Du lịch tham gia các chương trình xúc tiến du lịch tại các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, tỉnh tổ chức các hoạt động gặp gỡ, quảng bá, đưa các đơn vị lữ hành, kinh doanh du lịch trực tiếp tham quan, tìm hiểu, kết nối với các điểm du lịch và chủ thể làm du lịch. Để từ đó, các đơn vị lữ hành xây dựng các tour hợp lý hoặc đề xuất các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành quốc tế HP Travel, thành phố Từ Sơn, sau quá trình khảo sát, bà nhận thấy Bắc Ninh là địa phương có nhiều điểm du lịch đặc sắc nhưng chưa được khai thác triệt để. Du lịch Bắc Ninh chủ yếu phát triển du lịch tâm linh, du khách tập trung đến các đình, đền, chùa vào 3 tháng đầu năm. Đặc biệt một loại hình du lịch độc đáo là trải nghiệm du lịch cộng đồng và du lịch Quan họ đang được địa phương quan tâm phát triển nhưng các sản phẩm du lịch, quà lưu niệm vẫn chưa được quan tâm nên chưa hấp dẫn du khách và có nhiều doanh thu.

Với mong muốn tìm điểm mới trong phát triển du lịch Bắc Ninh, ông Nguyễn Hồng Đài, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương, quận Long Biên (Hà Nội) cho hay doanh nghiệp của ông đang tìm hướng đi mới là phát triển du lịch sông Đuống. Đây là con sông trải dài 40km, đẹp, thơ mộng, hai bên bờ sông có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, Dân ca Quan họ… Công ty chú trọng phát triển các tour du thuyền, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm và du lịch nghỉ dưỡng trên hành lang xanh của sông Đuống. Muốn đạt được điều đó, xây dựng sản phẩm du lịch trên sông phải gắn với sản phẩm du lịch xanh, mang tính đặc trưng gắn với bản sắc văn hóa riêng của Bắc Ninh.

Doanh nghiệp cần xác định đối tượng khách cho từng sản phẩm dịch vụ trên sông sau đó mới xây dựng sản phẩm và dịch vụ phù hợp cho từng đối tượng, thị trường. Với các sản phẩm du lịch sông Đuống, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển dịch vụ du thuyền ngủ, du thuyền ngày, các dịch vụ trên bờ bổ trợ như du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục, nhà hàng, cắm trại… Từ đó biến dòng sông Đuống trở thành dòng sông của những trải nghiệm và Bắc Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam có dòng sông hấp dẫn nhất trong nước và quốc tế.

Ông Mai Xuân Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám đốc Công  ty Cổ phần du lịch và xuất nhập khẩu Bắc Ninh cho rằng,  tỉnh cần đầu tư phát triển cho các khu du lịch đã được quy hoạch, tạo được điểm đến cho du khách. Ngoài ra, tỉnh cần phát huy hiệu quả công tác lãnh đạo của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch trong công tác định hướng đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển điểm du lịch, khu du lịch, khu dịch vụ trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy, phát triển du lịch.

Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng cần nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch trong các lĩnh vực lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí; bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên am hiểu về du lịch lễ hội, văn hóa, làng nghề; tăng cường mở rộng mối quan hệ du lịch với những đơn vị du lịch tại tỉnh bạn; đầu tư phát triển các dịch vụ quà lưu niệm, ẩm thực du lịch gắn với phát triển thương hiệu nông sản, làng nghề tỉnh Bắc Ninh…

Bài cuối: Đưa Kinh Bắc trở thành trung tâm văn hóa du lịch của cả nước

Bài và ảnh: Thanh Thương (TTXVN)
Phát triển du lịch Bắc Ninh nhanh, bền vững - Bài 1: Phát huy thế mạnh sẵn có
Phát triển du lịch Bắc Ninh nhanh, bền vững - Bài 1: Phát huy thế mạnh sẵn có

Cùng với bề dày lịch sử văn hóa hàng nghìn năm, Bắc Ninh được coi là địa phương hội tụ nhiều thuận lợi để phát triển du lịch, tuy nhiên nhưng năm qua lĩnh vực này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN