Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Sở Du lịch thành phố cũng khởi động đa dạng chương trình quảng bá du lịch nội địa tại một số thị trường quốc tế trọng điểm.
Cụ thể, doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục phục vụ các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam theo đường hàng không, đường tàu biển và đường sông từ nhiều thị trường trên thế giới như châu Á, châu Âu, châu Úc, Mỹ… Trong đó, có 6 đoàn khách quốc tịch Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Sỹ tham gia các hành trình liên tuyến 9 ngày trên sông từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho - Cái Bè - Vĩnh Long - Sa Đéc - Châu Đốc và nối tuyến Campuchia trong tháng 2/2023 vừa qua.
Từ nay đến ngày 5/3/2022, doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ đoàn MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) quốc tế là khách từ châu Âu đến Việt Nam bằng đường hàng không. Trong 14 ngày lưu lại Việt Nam, đoàn khách này sẽ kết hợp công tác, tham dự hội nghị, hội thảo, tham quan những danh thắng xuyên suốt 3 miền đất nước và tìm hiểu về văn hóa, con người tại từng địa phương.
Riêng trong hai ngày 25 - 26/2/2023, doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đón đoàn 3.500 khách tàu biển đa quốc tịch Anh, Mỹ, Australia… đến Việt Nam theo hải trình Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh.
Liên quan đến kế hoạch xúc tiến thị trường du lịch quốc tế, doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố kế hoạch sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến du lịch quốc tế, tăng cường hoạt động quảng bá và khai thác các thị trường trọng điểm truyền thống tại châu Âu, châu Mỹ và châu Úc đến Việt Nam theo đường hàng không, tàu biển và đường sông. Đồng thời, doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh luôn trong tâm thế sẵn sàng và chuẩn bị đón nguồn khách từ thị trường Trung Quốc sắp mở cửa.
Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, để đón đầu khai thác thị trường tại các nước châu Á đầy tiềm năng, ngay từ đầu năm 2023, Lữ hành Saigontourist đã chủ động tham dự Hội chợ Triển lãm Du lịch Quốc tế (TTE) lần thứ 30 và Triển lãm Thương mại Du lịch quốc tế (iTTE) lần thứ 8 tại Philippines với các hoạt động sôi động. Qua đó, Lữ hành Saigontourist đẩy mạnh hoạt động quảng bá các điểm đến đặc sắc của Việt Nam và kết nối với nhà cung ứng dịch vụ du lịch thu hút số lượng khách quốc tế đến từ Philippines và các nước châu Á. Những sự kiện này do Bộ Du lịch Philippines phối hợp với Tổng cục Du lịch Philippines tổ chức, với sự tham gia của hơn 300 đơn vị là các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn, hiệp hội du lịch, đại sứ quán, bảo hiểm du lịch… có quy mô hơn 670 gian hàng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch thành phố, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9 năm 2023, với chủ đề “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” diễn ra trong suốt tháng 3, Ban tổ chức sẽ ra mắt ứng dụng tương tác trực tuyến quảng bá Áo dài và đây là một trong những điểm mới của Lễ hội năm nay. Thông qua ứng dụng trực tuyến, người dân, khách du lịch trong và ngoài nước có thể tham gia với hình ảnh các nhân vật mặc áo dài đi qua những điểm du lịch đặc sắc của thành phố.
Sau Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh, ngành du lịch thành phố cũng có kế hoạch tổ chức quảng bá Lễ hội Áo dài tại Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Asia 2023, Singapore, với mục tiêu quảng bá sự kiện du lịch văn hóa đặc sắc của thành phố đến với đa dạng thị trường khách quốc tế và người mua quốc tế.
Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng trở thành sự kiện du lịch văn hóa mang tầm quốc tế, góp phần phát triển thị trường khách quốc tế đến với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói riêng.
Ngoài ra, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Ngôi Nhà Hữu Nghị (VECASA), Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) vừa tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Tây Ban Nha. Đây là nội dung thực hiện theo Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Ngôi Nhà Hữu Nghị (VECASA) và Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF) về việc phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Tây Ban Nha, nhằm tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng hiếm cho nguồn nhân lực du lịch thành phố đáp ứng yêu cầu phục vụ khách quốc tế.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị VECASA, hàng năm có hàng trăm đoàn khách Chính phủ, doanh nghiệp... từ Tây Ban Nha và Mỹ Latinh đến Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, với kỳ vọng tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại, đầu tư... Đây là những lý do VECASA cam kết đồng hành cùng Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các bên liên quan thực hiện Thỏa thuận hợp tác tổ chức lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Tây Ban Nha.
Thống kê tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có trên 160.000 người lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch và khoảng 1 triệu người lao động gián tiếp trong các ngành dịch vụ du lịch bổ trợ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 7.184 hướng dẫn viên được cấp thẻ, số lượng hướng dẫn viên du lịch sử dụng các ngoại ngữ như Hàn, Nhật, Đức, Tây Ban Nha… chiếm khoảng 15% so với tổng số ngoại ngữ.