Những điểm chơi xuân tại Hà Nội dịp Tết Nguyên đán 2020

Dịp Tết Nguyên đán 2020 được nghỉ 7 ngày, nếu chưa có kế hoạch đi xa, những người sống ở Thủ đô có thể lựa chọn một số địa điểm chơi xuân tại Hà Nội.

Tham quan phố cổ Hà Nội:

Phố cổ Hà Nội là điểm du lịch hấp dẫn để tìm hiểu về kiến trúc, cuộc sống, văn hóa, con người Hà Nội. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức và khám phá nét độc đáo ẩm thực Hà Nội.

Chú thích ảnh
Tái hiện không gian sinh hoạt Tết truyền thông tại Ngôi nhà di sản.

Phố cổ Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư gắn với tên  gọi “ dân dã” 36 phố phường, mỗi con phố tập trung bán một loại mặt hàng nhất định. Trong dịp Tết Canh Tý 2020, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội triển khai chương trình “Tết phố”. Đây là lần đầu tiên người dân và du khách được đón “Tết phố” đặc sắc ngay tại nhiều điểm di tích trong khu Phố cổ Hà Nội.

Tại đình Kim Ngân, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội giới thiệu không gian sinh hoạt Tết truyền thống, và hoạt động diễn xướng dân gian, tổ chức nghi lễ hát cửa đình. Tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm là sự sắp đặt giới thiệu không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội và giới thiệu hoạt động gói bánh chưng.

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, là không gian trưng bày giới thiệu hình tượng con chuột trong văn hóa dân gian. Tại đây cũng có buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh Cổ nhạc...

Hội chữ xuân tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám:

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía nam Kinh thành Thăng Long xưa.

Chú thích ảnh
Hội chữ xuân tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám. Quốc Tử Giám được coi như là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Trong dịp Tết Nguyên đán, nơi đây diễn ra hội chữ Xuân tại khu vực hồ Văn trong quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hội chữ Xuân đang diễn ra và kéo dài đến 5/2. Riêng ngày 30 Tết, hội chữ Xuân mở cửa đón Giao thừa đến 2 giờ sáng hôm sau.

Tại hội chữ Xuân Canh Tý, Ban tổ chức còn tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống như làng sĩ tử, các cụm tiểu cảnh, gian làng nghề thủ công truyền thống, các trò chơi đậm nét văn hóa như kéo co, đập niêu…

Lễ hội xuân Ecopark:

Cùng với điểm du lịch làng nghề Bát Tràng, lễ hội xuân Ecopark diễn ra từ mùng 2 Tết và kéo dài đến hết mùng 9 Tết là điểm chơi xuân hấp dẫn của người dân Thủ đô Hà Nội..

Chú thích ảnh
Điểm check-in du xuân với nhiều người dân Thủ đô.

Không gian chơi xuân được thiết kế bằng con đường hoa với những loài “hot” vào thời điểm này như: Hoa cúc, hoa hồng, hoa cúc hồ điệp… Điểm nhấn của lễ hội năm nay là khu làng văn hóa Eco với đài phun nước thiên nga được đặt tại quảng trường trung tâm với đôi thiên nga được điêu khắc cầu kỳ với chân đế là các trái tim khổng lồ xếp bằng hoa tulip.

Với ý tưởng hội nhập, xung quanh quảng trường được thiết kế 7 tiểu cảnh tượng trưng cho 7 nền văn hóa trên thế giới. Điển hình như văn hóa Việt Nam cùng ngôi nhà cổ Hội An quen thuộc. Nhật Bản sẽ là nền văn hóa tiếp theo được thể hiện qua cổng đền Tori nổi tiếng. Khu chợ Ba Tư của văn hóa các nước Araq cũng được tái hiện với những cảnh vật như ốc đảo, lạc đà, thảm trang trí…

Không chỉ du xuân ngắm cảnh, các gia đình có trẻ nhỏ còn có cơ hội trải nghiệm khu vui chơi với đa dạng các trò chơi dân gian như: ném còn, đánh đu, đi cầu kiều, hay các trò chơi vận động như nhà gỗ, nhảy đệm...

Phố Sách Xuân Canh Tý 2020:

Chương trình “Phố sách Xuân Canh Tý 2020” tại Phố sách Hà Nội (đường 19 tháng 12, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ là sự kiện khởi đầu cho các hoạt động phát triển văn hóa đọc của Thành phố trong năm 2020.

Chú thích ảnh
Phố sách xuân Canh Tý  2020 sẽ diễn ra vào mùng 3 Tết.

Bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách, các cuộc giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc, trong những ngày xuân tại Phố Sách Hà Nội sẽ diễn ra các chương trình biểu diễn và nói chuyện về thư pháp, giới thiệu không gian Báo Tết, trưng bày tranh dân gian Đông Hồ, hàng Trống, các chương trình nghệ thuật truyền thống…

Phố Sách Xuân Canh Tý 2020 bắt đầu phục vụ bạn đọc từ ngày 27/1 đến 3/2 tức từ mùng 3 đến mùng 10 Tết Canh Tý (từ 9 giờ đến 21 giờ hàng ngày).

Du xuân Chùa Hương:

Chùa Hương  (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, đặc biệt là những dịp đầu Xuân năm mới.

Chú thích ảnh
Du khách thập phương trẩy hội, dâng hương, vãn cảnh trong ngày khai hội chùa Hương năm 2019. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Lễ hội chùa Hương sẽ chính thức khai màn từ ngày mùng 6 tháng Giêng nhưng nơi đây đón khách từ mùng 1 Tết. Trong 3 ngày Tết (từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, khách đến chùa Hương sẽ không bị mất phí tham quan).

Từ ngày mùng 4 Tết, giá vé tham quan thắng cảnh là 80.000 đồng/vé, vé đò là 50.000 đồng/vé.

Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương:

- Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.

- Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.

- Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.

- Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.

Vào mùa lễ hội thường rất đông đúc nên du khách hãy bảo quản hàng lý tư trang cẩn thận, tránh bị kẻ gian thừa dịp cao điểm móc túi, đánh cắp đồ.

 

XC/Báo Tin tức
Hà Nội tăng cường kiểm tra tệ nạn mại dâm tại các cơ sở dịch vụ
Hà Nội tăng cường kiểm tra tệ nạn mại dâm tại các cơ sở dịch vụ

UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu nâng cao hiệu quả kiểm tra liên ngành phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm và tệ nạn xã hội khác tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN