Tại sự kiện “Hương rừng U Minh” trong sáng 27/4 đã diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Phiên chợ quê, chơi trò chơi dân gian, trải nghiệm theo chân thợ gác kèo ong vào rừng lấy mật, chạy xe đạp thể thao xuyên rừng, đi bộ thể thao xuyên rừng, thi cá lóc lớn nhất, buồng chuối lớn nhất, trưng bày đặc sản U Minh… Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Liêm cho biết, đây là sự kiện nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ đó, góp phần khơi dậy và phát triển những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của ông cha ta đã có từ những ngày đầu khai hoang, mở cõi vùng đất U Minh Hạ. Đây là dịp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp gỡ, kết nối, mở rộng giao thương, hợp tác, nâng cao sức cạnh tranh để U Minh ngày thêm phát triển, nhất là trên lĩnh vực du lịch sinh thái.
Sự kiện “Hương rừng U Minh” năm 2023 diễn ra từ 26 - 30/4 tại Khu du lịch sinh thái Hương Tràm, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Khu du lịch sinh thái sông Trẹm, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện U Minh.
Tại thành phố Cà Mau đã diễn ra Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ III với quy mô trên 200 gian hàng trưng bày các loại bánh dân gian, sản phẩm OCOP, hình ảnh về du lịch Cà Mau kết hợp thực hiện các gian hàng thương mại; đồng thời, tổ chức các môn thể thao, trò chơi dân gian gắn với chuỗi hoạt động của ngày hội, hội thi bánh dân gian, trình diễn gói bánh tét, dâng bánh dân gian lên Đức Quốc tổ tại Đền Hùng (xã Tân Phú, huyện Thới Bình), biểu diễn nghệ thuật...
Ngày hội diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 3/5; trong đó, hội thi bánh dân gian Nam Bộ (ngày 28/4) và hội thi trình diễn gói bánh tét (ngày 29/4) với sự tham gia của 28 đơn vị đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Ban tổ chức, Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ III là hoạt động thường niên. Qua đó, tạo không khí sôi nổi, vui tươi và hào hứng cho người dân địa phương và du khách khi đến với Cà Mau trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay. Đây là dịp để du khách trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, nhất là các loại bánh dân gian của vùng miền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam; đồng thời, hỗ trợ nghệ nhân phát huy giá trị bánh dân gian.
Ngày hội cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tăng cường liên kết, từng bước mở rộng thị trường bánh dân gian địa phương, tuyên truyền, quảng bá về vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch Cà Mau đến du khách trong và ngoài tỉnh thông qua chương trình tham quan các điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn.