Theo Nghị quyết mới của Chính phủ về việc thực hiện trong vòng 1 năm chính sách miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân năm nước Tây Âu là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy, du lịch Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn trong việc thu hút khách du lịch từ năm thị trường quan trọng này. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này chỉ trong vòng 1 năm đang gây những băn khoăn từ phía ngành du lịch. Bắt đúng bệnh… Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, việc miễn thị thực cho công dân năm nước trên thể hiện sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam và góp phần quan trọng thúc đẩy ngành du lịch phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Năm 2014, lượng khách du lịch từ năm nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy) đến Việt Nam đạt 635.000 lượt khách, cao hơn so với mức 516.000 lượt của năm 2010. Giai đoạn 2010-2014, lượng khách từ các nước này tăng trưởng trung bình 5,35%/năm. Tính chung 5 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách du lịch từ năm nước Tây Âu nói trên giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số trên chưa tương xứng với mối quan hệ kinh tế, chính trị và vị thế của Việt Nam đối với các nước này. Chính vì vậy, việc quyết định miễn thị thực đơn phương cho công dân năm nước trên là một bước đột phá, tạo cơ hội cho giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng khách du lịch đến Việt Nam từ các quốc gia này.
Du khách nước ngoài tham quan di tích Đại Nội, Cố đô Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Ông Ken Atkinson, đại diện Nhóm công tác du lịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã lên tiếng ủng hộ việc miễn thị thực cho công dân các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và New Zealand. Lượng khách du lịch từ các quốc gia này tới Việt Nam hiện lên tới 1,6 triệu lượt khách/năm. Việc mở rộng miễn thị thực sẽ gia tăng khoảng 10% số khách từ các quốc gia nói trên và dựa trên số ngày lưu trú trung bình hiện tại cộng với mức chi tiêu trung bình (khoảng 102 USD/ngày), tổng chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 200 triệu USD/năm.
Mở rộng chính sách miễn thị thực không chỉ tạo thuận lợi cho phát triển du lịch mà còn góp phần nâng cao mức tăng trưởng kinh tế - xã hội. Sự gia tăng số lượng khách quốc tế sẽ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp lớn hơn rất nhiều so với lợi ích từ việc thu lệ phí thị thực. Đồng thời, chi tiêu của khách du lịch quốc tế sẽ nâng cao thu nhập cho khu vực tư nhân và các khoản thuế đóng góp cho khu vực nhà nước, cũng như góp phần đẩy mạnh nhu cầu về các sản phẩm phụ trợ như vận tải, ăn uống, hàng thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm và các lợi ích xã hội cho cộng đồng.
…nhưng chữa nửa vời
Trong thời đại toàn cầu hóa, làm kinh doanh không thể chỉ trong ngắn hạn. Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy là các thị trường có mức chi tiêu cao song rất khó tính. Để đáp ứng nhu cầu, ngành du lịch sẽ phải đưa ra các phân tích và kế hoạch dài hạn cụ thể.
Ông Vũ Thế Bình nhận định, việc chỉ thực hiện trong vòng 1 năm chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu là thách thức lớn đối với ngành du lịch. Bởi các kế hoạch dài hạn thường diễn ra trong 5 năm, từ chuẩn bị, quảng cáo đến thông tin cho người dân ở các nước này. Đến khi khách du lịch sang Việt Nam, hiệu lực của chính sách miễn thị thực có khi đã hết hạn, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cũng cho rằng quyết định miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu bị hạn chế về mặt thời gian. Tính riêng việc ngành kết nối thông tin đến đại sứ quán ở các nước này cũng phải mất 2 tháng. Trong 10 tháng còn lại của thời hạn hiệu lực chính sách, ngành còn phải đưa ra kế hoạch, xây dựng và triển khai. Việc hoàn thành khâu chuẩn bị trong 1 năm cũng là lúc chính sách miễn thị thực hết hiệu lực.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty du lịch Transviet cho hay, nhóm khách Tây Âu đi du lịch cao điểm nhất là từ tháng 9 đến tháng 3 hàng năm, trong khi khách dự trù đi du lịch thường có kế hoạch trước từ 3 - 6 tháng. Song đến nay, ngành du lịch mới triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá. Những chương trình quảng bá, xúc tiến được thực hiện nhanh, nhưng cũng phải có chiều sâu và cần thời gian để "ngấm".
Bên cạnh đó, thời gian lưu trú của khách du lịch cũng là vấn đề trăn trở của các hãng lữ hành trong nước. Chẳng hạn, khách tham gia một tour du lịch xuyên Việt mất ít nhất 3 tuần, trong khi khách chỉ được miễn thị thực có 15 ngày. Các doanh nghiệp mong rằng Chính phủ sẽ tăng thời gian lưu trú của khách lên 30 ngày.
Miễn thị thực là một lợi thế quan trọng cho du lịch Việt Nam phát triển. Để khai thác có hiệu quả quyết định quan trọng này, ngành du lịch phải nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, huy động sức mạnh toàn ngành. Song song đó, việc tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ sẽ góp phần hỗ trợ ngành thu hút khách du lịch đến từ các thị trường trên một cách bền vững hơn.