Khách tham quan hệ thống di tích Đại Nội, Huế trong tour du lịch "Huế, một điểm đến 5 di sản". Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Cuộc điều tra được tiến hành với 27.000 phiếu theo phương pháp chọn mẫu tại 12 cửa khẩu quốc tế trên cả nước (4 cửa khẩu đường không, 4 cửa khẩu đường bộ và 4 cảng biển). Kết quả cho thấy, khách lưu trú qua đêm chiếm 92,56% và khách tham quan trong ngày chiếm 7,44%; khách đi theo tour chiếm 39,86% và khách đi tự sắp xếp chiếm 60,14%; chi tiêu bình quân của khách có nghỉ đêm tại là 1.171,3 USD/lượt, trong đó khách đến từ châu Á: 995,7 USD/lượt, châu Âu: 1.295,3 USD/lượt, châu Đại Dương: 1.791,1 USD/lượt, châu Mỹ: 1.525,1 USD/lượt; chi tiêu bình quân của khách tham quan trong ngày là 144,6 USD/lượt.
Cùng với đó, chi tiêu bình quân một ngày của khách có nghỉ đêm là 126,3 USD/ngày khách; mỗi chuyến đi bình quân đối với khách có nghỉ đêm là 9,27 ngày; có 59,57% số khách đến Việt Nam lần đầu tiên và 40,43% số khách đến Việt Nam từ lần thứ hai trở lên.
Về mức độ hài lòng của du khách trong chuyến du lịch đến Việt Nam: Có 93,46% số khách hài lòng và rất hài lòng; 5,91% đánh giá mức bình thường; 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng và rất không hài lòng.
Theo các doanh nghiệp du lịch, chỉ số khách tự đi đến Việt Nam cho thấy khá tương đồng với chỉ số của các hãng hàng không công bố gần đây. Điều này phản ánh khách quốc tế đã chủ động lựa chọn dịch vụ qua mạng hoặc đến Việt Nam mới lựa chọn dịch vụ land tour. Điều này phản ánh dịch vụ của Việt Nam đã khá phát triển mang lại nhiều lựa chọn cho du khách.
Tuy nhiên, với mức độ hài lòng của du khách, các chuyên gia cho rằng, các chỉ số này cần phân tích kỹ thêm với các đối tượng đã lấy phiếu khảo sát và mẫu hỏi về dịch vụ, có như vậy mới đánh giá chính xác được tỷ lệ hài lòng khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Đây là năm thứ 2 Tổng cục công bố rộng rãi Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam nhằm nhằm cung cấp thông tin về các chỉ tiêu, số liệu chủ yếu của du lịch Việt Nam như số lượng khách quốc tế đến, khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch, đóng góp của du lịch trong GDP, về các hoạt động chuyên ngành lữ hành và vận tải khách du lịch, lưu trú, xúc tiến du lịch, hợp tác quốc tế, xây dựng thể chế, chính sách.
“Sau khi hoàn thiện, báo cáo sẽ được tải lên trang web Tổng cục để hình thành nguồn dữ liệu cho các đơn vị kinh doanh du lịch tham khảo, qua đó định hướng sản phẩm du lịch phù hợp với sự thay đổi của du khách”, ông Tuấn cho biết.