Bởi lẽ, Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 là biểu tượng thiêng liêng thể hiện chủ quyền quốc gia nơi cực Nam đất nước. Tại Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, cùng với Cột mốc tọa độ, biểu tượng Mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh… đã trở thành những điểm đến thiêng liêng, góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc đối với mỗi người dân đất Việt.
Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, hành động trèo và đứng lên đỉnh của cột mốc quốc gia để tạo dáng, chụp hình của du khách là rất phản cảm, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với điểm đến có ý nghĩa đặc biệt. Rất đáng tiếc, một hướng dẫn viên du lịch lại chính là người hỗ trợ chụp những bức hình phản cảm như vậy cho du khách.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cũng đã lưu ý cán bộ, nhân viên tại các khu di tích, khu du lịch, nhất là những điểm đến đặc biệt, phải tăng cường nhắc nhở du khách cần có những hành động, ứng xử phù hợp, văn minh và lịch sự.
Ông Trần Hiếu Hùng cho biết thêm, sau khi vụ việc chụp ảnh phản cảm xảy ra, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) - doanh nghiệp có hướng dẫn viên đã hỗ trợ du khách (người này không thuộc đoàn đi theo tour của công ty) chụp bức hình phản cảm, đã gửi văn bản tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau.
Theo đó, ban lãnh đạo của doanh nghiệp đã có hình thức kỷ luật kịp thời, nghiêm khắc đối với hướng dẫn viên vi phạm; đồng thời ra chỉ thị siết chặt quy trình đào tạo về kiến thức, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ hướng dẫn viên cùng toàn thể nhân viên để sự việc đáng tiếc trên không lặp lại.
Đi tham quan du lịch, chụp những bức ảnh đẹp, lưu lại những khoảnh khắc đánh dấu những nơi đã đi qua, những con người từng gặp, sự kiện được chứng kiến, trái nghiệm là việc không thể thiếu với mỗi người trong những chuyến du lịch và trải nghiệm. Một chuyên gia tâm lý đã chia sẻ: Việc ghi lại những tấm hình độc, lạ, những góc chụp không trùng lặp dễ tạo cho mỗi người cảm giác thú vị, vui vẻ, mãn nguyện. Đây là tâm lý bình thường và nên được tôn trọng. Thế nhưng, điều cần lưu ý là những hành động, việc làm này phải không vi phạm pháp luật, không phản cảm, không đi ngược với thuần phong mỹ tục. Do đó, khi đến tham quan, đi du lịch tại các điểm đến đặc biệt như cột mốc quốc gia, di tích lịch sử văn hóa, di tích mang tính tâm linh…, mỗi du khách rất cần chú ý có trang phục phù hợp, ứng xử, giao tiếp cẩn trọng, đúng mực, không có những hành động phản cảm, thể hiện sự thiếu tôn trọng và thiếu hiểu biết.
Từ tháng 3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch trên quy mô cả nước; trong đó quy định cụ thể những điều cần làm đối với từng đối tượng tham gia hoạt động du lịch.
Theo Bộ Quy tắc này, khách du lịch cần có cách ứng xử văn minh, tự trọng và trách nhiệm, thể hiện ở việc tuân thủ nội quy, xếp hàng trật tự, đúng giờ, trang phục phù hợp, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, không vứt rác, không phá hoại môi trường... Cũng trong nội dung này, Bộ Quy tắc khuyến khích khách du lịch ủng hộ các sản phẩm và đồ lưu niệm sản xuất tại địa phương, không mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã...
Thời gian qua, tại một số điểm du lịch nổi tiếng ở nước ta đã từng xảy ra một số sự việc không hay như tranh giành chỗ chụp ảnh, bẻ cành hoa ở khu du lịch, ăn mặc phản cảm ở khu du lịch tâm linh, bỏ rác không đúng nơi quy định... và sau đó đã bị cộng đồng lên tiếng phản ứng.
Quy định của cơ quan chức năng đã có, dư luận cũng đã lên tiếng, thế nhưng điều cần thiết trước tiên phải là ở ý thức tự giác và nhận thức đúng đắn của mỗi du khách. Mỗi người cần có nhận thức, hành động phù hợp trong suốt chuyến du lịch để thực sự là một du khách văn minh, tự trọng, trách nhiệm. Có như vậy, chuyến du lịch mới đem lại cho chúng ta một niềm vui trọn vẹn.