Du lịch đường sông Đông Nam Bộ - Bài 1: Sắc thái riêng

Vùng Đông Nam Bộ gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh. Đây là nơi có các sông lớn như Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông chảy qua, mang đến nhiều tiềm năng phát triển du lịch - ngành kinh tế tổng hợp.

Khai thác, phát triển hiệu quả các sản phẩm du lịch gắn với hệ thống đường sông, cảnh quan môi trường, hệ sinh thái, nét văn hóa cộng đồng cư dân ven sông, du lịch toàn vùng sẽ có bước tiến mới, góp phần đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. 

Nội dung này được phóng viên ghi nhận và phản ánh qua hai bài viết: Du lịch đường sông Đông Nam Bộ
 
Bài 1: Sắc thái riêng 

Nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ là nơi có nhiều con sông lớn chảy qua, làm nên lợi thế phát triển nhiều ngành kinh tế, trong đó có lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Từ tài nguyên nổi bật...

Chú thích ảnh
Du lịch đường sông ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Đông Nam Bộ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ khá đa dạng của các sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông, Đồng Nai và các hồ Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ… 

TP Hồ Chí Minh - đô thị đặc biệt của vùng và cả nước in đậm dấu ấn của các dòng sông với những bến thủy còn hiện diện đến ngày nay như Bình Đông, Nhà Rồng, Bến Nghé, Bạch Đằng - những nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, đồng thời hình thành nhiều nét văn hóa đặc sắc của đô thị gắn với sông nước. 

Đề cập về sông Sài Gòn và lợi thế phát triển du lịch, Tiến sỹ Nguyễn Phước Hiền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nêu rõ, sông Sài Gòn bắt nguồn từ vùng Hớn Quản (Bình Phước). Sông có chiều dài trên 250km, chảy qua địa phận TP Hồ Chí Minh. Trong suốt chiều dài phát triển của vùng đất Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn - TP Hồ Chí Minh, dòng sông đã và đang là đầu mối giao thông huyết mạch, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố. Từ sông Sài Gòn, thuyền du lịch không chỉ cập cảng Nhà Rồng, bến Bạch Đằng, Tân Cảng, Ba Son mà còn có thể đi sâu vào trong nội thành qua các kênh Lò Gốm, Tàu Hủ, rạch Thị Nghè… hay đi xa hơn tới Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí kết nối cả với các nước trên thế giới qua các tuyến du lịch tàu biển, tàu sông.

Số liệu từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho thấy, Thành phố hiện có trên 130 tài nguyên phục vụ phát triển du lịch đường thủy. Sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông của Thành phố. Dọc theo bờ sông có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cả những công trình thể hiện dáng hình một đô thị hiện đại, thu hút du khách. 
 
Cùng ở Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương liền kề TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch gắn với những dòng sông và hệ sinh thái ven sông. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết: Hệ thống các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính, các kênh rạch tạo ra tiềm năng phát triển du lịch cho Bình Dương nhờ cảnh quan sông nước cùng các miệt vườn cây trái. Đó là vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Thanh Tuyền, vườn bưởi Bạch Đằng, vườn cam, quýt Bắc Tân Uyên, các nông trại ứng dụng công nghệ cao có khả năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch học tập trải nghiệm, các tour du lịch sông nước.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, sông Đồng Nai là dòng sông lớn, tạo nên những dòng suối, hồ và những dòng thác đẹp như: Thác Mai - hồ nước nóng, thác Ba Giọt, thác Giang Điền. Đây là những tài nguyên để tỉnh phát triển các tour du lịch đường sông, kết nối với các địa phương cùng trong vùng Đông Nam Bộ như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
... đến sản phẩm du lịch hấp dẫn 

Chú thích ảnh
Ca nô mới đưa du khách tham quan TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Phát huy lợi thế sông nước, một số địa phương Đông Nam Bộ đã hình thành nhiều sản phẩm trải nghiệm du lịch đường sông, tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch thể hiện rõ điểm nhấn được khai thác từ hệ sinh thái bên sông, nét văn hóa cộng đồng cư dân gắn với sông nước, làng quê, đô thị bên sông.
 
Các sản phẩm du lịch gắn với lợi thế sông nước ở nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ thể hiện định hướng phát triển xanh, khai thác sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, hệ sinh thái, gìn giữ và phát huy nét văn hóa tiêu biểu. 
 
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu, Thành phố tập trung phát triển nhiều tour sông nước theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phát huy tiềm năng của nhiều tuyến đường thủy nội đô, tạo sự  khác biệt, hấp dẫn.

Tháng 8/2023, lần đầu tiên Lễ hội sông nước được UBND Thành phố tổ chức tại các địa điểm: Cảng Sài Gòn - Cảng hành khách tàu biển, công viên bến Bạch Đằng, công viên Lam Sơn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Bình Đông, khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên. Tại lễ hội, 30 tour, tuyến du lịch đường thủy được công bố. Trong khuôn khổ lễ hội, chương trình nghệ thuật quy mô được tổ chức với chủ đề “Dòng sông kể chuyện”, chia thành các chương: Khẩn hoang, xây thành, trên bến dưới thuyền, thương cảng phồn vinh, rực rỡ thành phố bên sông, diễn ra trên sông Sài Gòn, đánh dấu bước phát triển mới của hoạt động du lịch gắn với lợi thế sông nước của đô thị du lịch sống động, giàu bản sắc ở phương Nam.
 
Tiếp đó, đầu tháng 12/2023, Thành phố giới thiệu đến du khách 17 sản phẩm du lịch đường thủy mới mẻ, hấp dẫn tại Tuần lễ Du lịch TP Hồ Chí Minh với chủ đề” Xanh trên mỗi hành trình”. Trong đó, các tour, tuyến nổi bật, như: Tuyến du lịch đường thủy tầm trung từ bến ga tàu thủy Bạch Đằng đến huyện Củ Chi hoặc huyện Cần Giờ và ngược lại, đưa du khách khám phá vẻ đẹp Thành phố, thăm nhiều di tích lịch sử, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn. Tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn - “Khám phá vẻ đẹp trên sông Sài Gòn”,  “Hoàng hôn trên sông Sài Gòn”, mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách.  
 
Đại diện Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương thông tin, tỉnh Bình Dương chú trọng xây dựng các tuyến du lịch đường sông theo hướng tạo ra sản phẩm du lịch xanh. Với những nỗ lực chung của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, các đơn vị thuộc ngành du lịch cùng các doanh nghiệp đã khảo sát,  kết nối hình thành, phát triển một số sản phẩm du lịch mới. Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chính thức giới thiệu một số sản phẩm du lịch thể hiện rõ tính kết nối, liên kết cùng phát triển du lịch giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Đó là các tuyến du lịch đường sông, xuất phát từ các bến thủy ở TP Hồ Chí Minh, đến các điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch - thể thao golf tại Bình Dương thông qua bến tàu Tiamo như: Becamex Hotel New City, sân golf Royal Island (cù lao Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương), sân golf Twin Doves (thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương), góp phần tạo sức hút mới cho du lịch toàn vùng.
  
Bài cuối: Chiến lược cho bước phát triển mới

Thanh Trà (TTXVN)
Du lịch đường sông Đông Nam Bộ - Bài cuối: Chiến lược cho bước phát triển mới
Du lịch đường sông Đông Nam Bộ - Bài cuối: Chiến lược cho bước phát triển mới

Định hướng phát triển mạnh du lịch đường sông, đa dạng sản phẩm, gia tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, các địa phương ở Đông Nam Bộ đã nhìn nhận những điểm "nghẽn” cần tháo gỡ, từ đó có các giải pháp căn cơ phát huy hiệu quả hơn tài nguyên du lịch từ lợi thế sông nước. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN