Du lịch đường sông Đông Nam Bộ - Bài cuối: Chiến lược cho bước phát triển mới

Định hướng phát triển mạnh du lịch đường sông, đa dạng sản phẩm, gia tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, các địa phương ở Đông Nam Bộ đã nhìn nhận những điểm "nghẽn” cần tháo gỡ, từ đó có các giải pháp căn cơ phát huy hiệu quả hơn tài nguyên du lịch từ lợi thế sông nước. 

Khó khăn cần tháo gỡ

Chú thích ảnh
Quang cảnh tại Lễ hội Diều Sắc màu mùa Hè tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN

Đánh giá Đông Nam Bộ vẫn còn rất nhiều tiềm năng tạo bước phát triển mới từ lợi thế những dòng sông, các chuyên gia phân tích: Từ các dòng sông, có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên sông nước, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mang tính đặc trưng cho toàn vùng. Từ nguồn tài nguyên này, địa phương có thể phát triển nhiều hoạt động kinh tế như vận tải đường sông, logistics, nuôi trồng thủy sản... Đặc biệt, các dòng sông cùng cảnh quan hai bên bờ sông và đời sống dân cư ven sông là tài nguyên quý phát triển du lịch. Tuy nhiên, để thực sự khai thác hiệu quả, các điểm “nghẽn”, khó khăn cần được nhìn nhận và có giải pháp tháo gỡ đúng đắn.

Liên quan đến phát triển giao thông đường thủy, các tour, tuyến du lịch đường sông, nhiều ý kiến cho rằng: Đô thị đặc biệt, hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ là Thành phố Hồ Chí Minh có các tuyến đường thủy nội địa, các tuyến kênh rạch đi sâu vào nội ô, là thuận lợi lớn để phát triển giao thông đường thủy và các sản phẩm du lịch sông nước.

Theo đại diện Sở Du lịch, TP Hồ Chí Minh có khoảng trên 130 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy. Các tuyến sông chính như Đồng Nai, Sài Gòn, Lòng Tàu, Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy liên tuyến kết nối với các tỉnh cùng trong vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, rất thuận lợi để phát triển du lịch, giao thông đường thủy. Song, để phát triển các sản phẩm du lịch, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các bến tàu, cảng phục vụ du lịch. Các cấp, ngành cần có nhiều chính sách thuận lợi để xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các bến tàu du lịch, các hạng mục nhà chờ, công trình vệ sinh... Đồng thời, hoạt động này cần có sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp, bởi phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy cần có các yếu tố: Đảm bảo môi trường nước, độ tĩnh không của các cây cầu...

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Lưu Văn Đức, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đóng tàu Lưu Gia cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành Du thuyền trên sông và các hoạt động kinh tế ven sông Sài Gòn. Nhu cầu của du khách rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, các bến đỗ vẫn còn thiếu dẫn đến chi phí gửi tàu, thuyền tăng cao. Đây là một trở ngại cần được khắc phục.

Quan tâm giải pháp phát triển du lịch sông tại tỉnh Bình Dương, Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Anh, Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết: Du lịch đường sông có đặc thù là cần bến đỗ và các phương tiện trung chuyển nên cần tăng cường hệ thống bến tàu thuyền phục vụ du lịch. Để tạo thuận lợi, đa dạng sản phẩm du lịch, môi trường, cảnh quan hai bên bờ sông cần được quy hoạch đồng bộ. Hiện nay, cơ sở vật chất dịch vụ hoạt động du lịch tại một số điểm đến trên bờ sông còn thiếu hoặc chưa được đầu tư đồng bộ. Các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc sản, giải trí phục vụ nhu cầu khách tham quan, mua sắm, thư giãn cần được tăng cường để phục vụ du khách đến từ đường sông.  

Sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt

Chú thích ảnh
Trung tâm TP Hồ Chí Minh lung linh bên sông Sài Gòn. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu, với mục tiêu khai thác tối đa lợi thế các dòng sông, tạo nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt, UBND Thành phố có Kế hoạch Phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, đến năm 2025, các sản sản phẩm du lịch đường thủy được Thành phố khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn. Thành phố liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.

TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình, sản phẩm tạo sự khác biệt, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Trong hai năm 2023 - 2024, Thành phố tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có, gồm: Nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10 km), nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung (các tour trên sông có bán kính từ 10km đến dưới 60km).

Để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm, ngành Du lịch Thành phố xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy, cung cấp thêm các dữ liệu lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng về các hệ thống sông, kênh, rạch gắn với các tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn. Thành phố xây dựng bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS (giải pháp quản lý, phân tích dữ liệu thông qua xây dựng bản đồ số). Giai đoạn 2024 - 2025, Thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới ở các nhóm tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, đồng thời bổ sung một số bến thủy nội địa.

Thành phố phát huy sức hút của các Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi; phát triển đa dạng các tour, tuyến theo chuyên đề như lịch sử - về nguồn, trải nghiệm văn hóa kết hợp thưởng ngoạn phong cảnh trên sông, tham quan các khu du lịch sinh thái, làng nghề, nhà vườn...  

Tỉnh Bình Dương có kế hoạch phát triển các tuyến, sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đầu tư xây dựng các bến hành khách, cơ sở vật chất phục vụ các tuyến du lịch đường sông, phát triển nhiều sản phẩm du lịch đón du khách đến bằng đường sông như khai thác lợi thế cảnh quan, vườn cây ăn trái ven sông, các di sản văn hóa, làng nghề...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà, trong nhóm các sản phẩm du lịch chính được tỉnh xác định phát triển có các sản phẩm du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, gắn với các sản phẩm du lịch vườn Lái Thiêu, Tân An, Phú An, Thanh Tuyền. Tỉnh phát triển các sản phẩm du lịch ven sông Đồng Nai gắn với các sản phẩm du lịch sinh thái từ cù lao Thạnh Hội, Bạch Đằng, các bãi cắm trại khu vục hồ Dầu Tiếng, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Cùng ở Đông Nam Bộ, tỉnh Tây Ninh có hai con sông chính chảy qua là Vàm Cỏ Đông và Sài Gòn. Do đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch mới như: Du lịch đường sông, du lịch sinh thái gắn với du lịch về nguồn, phát huy giá trị Vườn Di sản ASEAN - Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Trần Thị Huy Hoàng thông tin, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết tour tuyến giữa các tỉnh, thành phố. Tây Ninh tiếp tục mời gọi nhà đầu tư vào các dự án du lịch, cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ vui chơi giải trí để kết nối, bổ trợ cho các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn, góp phần vào phát triển du lịch toàn vùng Đông Nam Bộ.

Thanh Trà (TTXVN)
Du lịch đường sông Đông Nam Bộ - Bài 1: Sắc thái riêng
Du lịch đường sông Đông Nam Bộ - Bài 1: Sắc thái riêng

Vùng Đông Nam Bộ gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh. Đây là nơi có các sông lớn như Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông chảy qua, mang đến nhiều tiềm năng phát triển du lịch - ngành kinh tế tổng hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN