May mắn là chiếc xe Vitara đầy bụi đỏ của Ngô Hà Thái, đã cùng chúng tôi qua rất nhiều vùng đất, vẫn ngon lành. Một thuận lợi nữa là từ đây, các phóng viên TTXVN - Phạm Văn Kiên và Đỗ Bá Thành - do kết hợp công tác lên các tỉnh phía Bắc, cùng đi với chúng tôi. Các anh đều giỏi tiếng Lào, sống ở địa bàn lâu năm, quan hệ rộng. Điều ấy làm chúng tôi rất yên tâm.
Đoạn đầu từ Viêng Chăn đi Văng Viêng, khoảng 100 km, rất ổn vì đã có đường cao tốc. Tôi nhớ lần đầu đến Văng Viêng với các bạn ở Thông tấn xã KPL hơn 10 năm trước. Kỷ niệm về Văng Viêng lần ấy thật đẹp. Một khu du lịch sinh thái giữa núi rừng. Nhiều hoạt động thể thao, vui chơi mang bản sắc Lào. Khách du lịch quốc tế rất đông. Họ thích leo núi, bơi xuôi sông Văng Viêng, đu cáp treo qua suối hay cắm lửa trại trong rừng. Các bạn Lào đã phát triển được một khu du lịch phù hợp với các tiềm năng ở đây. Lần này, dừng chân uống cafe tại một resort mới ra đời ở Văng Viêng, chúng tôi cảm nhận được những sự thay đổi đang diễn ra ở đây.
Rời Văng Viêng, trên đường đi, chúng tôi đã vào viếng đài tưởng niệm các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tại bản Phả Xạng, huyện Ka Sỉ, tỉnh Viên Chăn. Có nhiều đài tưởng niệm như thế ở các vùng khác nhau để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam giúp bạn qua mấy cuộc kháng chiến.
Hết cao tốc, đường xấu dần. Hệ thống dịch vụ chưa phát triển. Ngoài các cây xăng, ít có các điểm phục vụ cho khách đi đường. Chặng khó nhất là lúc vượt đèo Phou Câu Lắc. Đèo dài 9 km, độ cao đỉnh đèo 1.836 mét. Chiếc Vitara nhiều khi phải gắng hết sức để vượt dốc. Rất may là mọi chuyện đều ổn. Từ đỉnh đèo nhìn xuống rừng núi trập trùng, con đường chìm trong mây, cảnh sắc thật tuyệt vời.
Chúng tôi tới Luang Prabang vào buổi chiều. Kinh đô cũ của nước Lào có một vẻ đẹp hoài cổ. Bên cạnh những ngôi chùa cổ mang nét truyền thống của Lào là những căn nhà gỗ hai tầng kiến trúc theo kiểu Pháp, với lan can ở phía trước, tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng. Thời gian đã lưu dấu ở kinh thành này, qua những biến đổi, thăng trầm của lịch sử. Luang Prabang từng là thủ đô suốt khoảng thời gian từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16. Vào năm 1995, Luang Prabang được UNESCO xếp hạng là Di sản Thế giới về kiến trúc, tôn giáo và văn hóa. Có người nói, Luang Prabang có vẻ đẹp của Đà Lạt và Hội An xen lẫn.
Luang Prabang nằm trên một bán đảo giữa sông Mekong và sông Nam Khan, một nhánh của sông Mekong chảy từ phía đông. Tỉnh Luang Prabang có diện tích 16.875 km2, dân số gần 500.000 người, địa hình chủ yếu là đồi núi, có ranh giới tiếp giáp với hai tỉnh của Điện Biên, Sơn La của Việt Nam và 6 tỉnh khác của Lào. Thành phố có cảng hàng không quốc tế, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch; là địa điểm trung chuyển, kết nối giao thông quan trọng đi thủ đô Viêng Chăn, Thái Lan, Trung Quốc và các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Nhiều hãng hàng không có đường bay đến đây.
Chúng tôi đã đến thăm bảo tàng cung điện Hoàng gia, được xây dựng vào năm 1904, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp kết hợp với những nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống Lào, nằm giữa một khu vườn rộng lớn. Một bức tượng lớn của vua Sisavangvong được dựng ở lối vào chính. Bảo tàng trưng bày các đồ dùng của hoàng gia, tượng và tranh vẽ từ nhiều thế kỷ trước. Bảo tàng còn có khu riêng bày một tượng Phật 2.000 năm tuổi, được tạo tác vào thế thứ 1 ở Sri Lanka và sau đó được tặng cho vua Lào. Những hiện vật trưng bày ở bảo tàng cung điện giúp người xem hiểu về cuộc sống hoàng gia trước đây và qua đó , hiểu thêm về những nét đặc sắc của văn hóa Lào .
Chúng tôi cũng đến thăm chùa Xienthong, một trong những ngôi chùa cổ và đẹp nhất của Luang Prabang. Chùa được hoàn thành vào năm 1560 với những mái cong cong sát gần xuống mặt đất. Bao quanh chùa chính là những ngôi miếu nhỏ, tạo thành một cảnh quan hoàn chỉnh.Trên các tường của chùa và các miếu có rất nhiều tranh vẽ, phù điêu, chạm trổ công phu. Chùa Xienthong là nơi linh thiêng , tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc, đặc biệt trong dịp Tết của Lào.
Động Pak Ou là một đi tích nổi tiếng ở Luang Prabang. Động gồm các hang Tham Ting (hàng dưới) và Tham Theung (hàng trên), nơi có khoảng 4.000 bức tượng Phật cổ. Chuyện kể rằng, 300 năm trước, người dân Lào ban đêm chèo thuyền ngược sông đến hang để cất giấu tượng Phật khi kinh đô Luang Prabang bị giặc ngoại xâm. Chúng tôi đã đến thăm hang Pak Ou. Ông già người Lào có nụ cười rất chất phác, chở chúng tôi bằng thuyền máy qua sông Nam Khan, vừa đi vừa chỉ dẫn rất nhiệt tình. Hàng ngàn bức tượng Phật trên những vách hang, với đủ các kích cỡ, kiểu dáng, tạo một không gian rất uy nghiêm, thành kính. Từ trên vách đá cao, chúng tôi còn thấy được cảnh vùng sông nước nên thơ của miền đất này. Từ Pak Ou, trên đường trở về Luang Prabang, chúng tôi còn có ghé thăm các làng thủ công bên sông với nghề dệt, nấu rượu và trang trại nuôi voi, những địa chỉ du lịch rất hấp dẫn.
Đồi Phousi là một địa điểm nổi tiếng ở Luang Prabang .Chúng tôi đã theo dòng người hàng hương qua 338 bậc thang lên ngôi chùa thiêng tọa lạc trên đỉnh đồi. Đây cũng là nơi chúng tôi có thể bao quát toàn cảnh Luang Prabang về bốn phía , ngắm cố đô khi hoàng hôn xuống.
Lịch trình ở Luang Prabang còn phong phú với nhiều hoạt động khác: Tham quan khu phố cổ, dự phiên chợ đêm với nhiều sắc màu, chứng kiến cảnh các nhà sư đi khất thực trên các con phố vào buổi sáng sớm, nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo ở đây.
Chúng tôi cũng đã có những buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt: Bà Kiều Thị Hằng Phúc, Tổng lãnh sự và các cán bộ lãnh sự quán Việt Nam ở Luang Prabang; các bạn trẻ của phòng đại diện thương mại tỉnh Điện Biên tại đây; họa sỹ Vũ Thanh Hải, một người Hà Nội rất thành công ở Luang Prabang…Những cuộc gặp giúp chúng tôi hiểu thêm đời sống cộng đồng người Việt và quan hệ Việt Lào ở vùng Đông Bắc này.
Tạm biệt Luang Prabang, thành phố bình yên, thơ mộng, nơi thời gian lưu dấu! Xin hẹn gặp lại!
Bài 4: Đường về Xiengkhuang - Cánh Đồng Chum