Du ký đất Lào - Bài 2: Những sắc màu Viêng Chăn

Trở lại Viêng Chăn sau hơn 10 năm, tôi cảm nhận rõ rệt những đổi thay của thủ đô nước bạn. Thành phố rộng lớn hơn, nhịp điệu sống rộn ràng hơn, bên cạnh những nét văn hóa cổ truyền được lưu giữ là những màu sắc mới.

Chú thích ảnh
Viêng Chăn, nhìn từ Khải Hoàn Môn.

Cùng nhà báo Phạm Văn Kiên, Trưởng cơ quan TTXVN tại Lào, đứng trên đỉnh của Khải Hoàn Môn Patuxay, tôi cảm nhận rõ hơn điều này. Từ đỉnh của công trình nổi tiếng này nhìn về bốn hướng, người ra có thể thu vào tầm mắt một Viêng Chăn đang xây dựng và phát triển, bên cạnh Thạt Luổng, các ngôi chùa cổ là những nhà cao tầng, những khu phố mới trải dài bên dòng Mekong, sông Mẹ hiền hòa từ bao đời làm nên nguồn cội sự sống cho thành phố này.

Chú thích ảnh
Khải Hoàn Môn.

Khải Hoàn Môn, tiếng Lào là Patuxay, nơi chúng tôi thăm lại trong ngày đầu tiên đến Viêng Chăn. Một ngày bình thường, chúng tôi gặp rất đông du khách nước ngoài đến đây. Patuxay cao 55m, bốn mặt, bề ngang mỗi cạnh là 24 mét, có bảy tầng tháp và hai tầng phụ. Công trình được mô phỏng theo kiến trúc của Khải hoàn môn Paris tuy vẫn có những nét rất riêng biệt của kiến trúc Lào. Các cửa sổ bên cầu thang của tháp được thiết kế theo hình những bức tượng Phật. Bảy tầng tháp được nối với nhau bởi những cầu thang xoắn ốc. Mỗi tầng đều có những trưng bày về văn hóa, đất nước Lào, về quá trình xây dựng tháp. Khải hoàn môn Patuxay được xây dựng để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân Lào.

Chú thích ảnh
Thăm Thạt Luổng.

Chúng tôi đến thăm Thạt Luổng ở trung tâm thủ đô, một biểu tượng quốc gia của Lào, gắn với quá trình rời đô từ Luang Prabang về Viêng Chăn vào năm 1563. Năm 1566, Thạt Luổng được xây dựng trên nền một ngôi chùa cũ. Thạt Luổng và là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào, cao 45m. Trung tâm của tháp là một khối lớn vươn cao lên trời. Đế của tháp là một đài sen hình vuông với những cánh vàng nở bốn phía. Bên tháp là khu chùa với bức tượng Phật nằm nổi tiếng. Lễ hội Thạt Luổng tổ chức vào tháng 11 hàng năm với những lễ tắm Phật, lễ dâng cơm, lễ cầu phúc... rất long trọng. Chúng tôi gặp nhiều du khách đến dâng hương và tham quan quần thể di tích này. Điều đáng ghi nhận là mọi việc điều diễn ra trật tự, vệ sinh môi trường tốt. Các dịch vụ cần thiết cũng được tổ chức hợp lý, chu đáo.

Chú thích ảnh
Tượng Phật nằm ở Thạt Luổng.

Lần trước đến Viêng Chăn, tôi cũng đã đến thăm chùa Si Muang, ngôi chùa gần 500 năm tuổi rất linh thiêng. Theo truyền thuyết, khi xây dựng thủ đô, nàng Sỉ, một phụ nữ trẻ đã tình nguyện hiến sinh vì sự an yên của vùng đất này. Bà được coi như vị thần bảo vệ thành phố. Chùa Si Muang được dựng lên để tưởng nhớ công lao của bà. Trong chùa có thờ một phiến đá gắn với câu chuyện này. Chúng tôi đã dâng lễ và được các nhà sư ở chùa Si Muang buộc chỉ cổ tay chúc phúc. Nhiều người già cũng như những cặp thanh niên trẻ đến chùa dâng lễ với lòng tin rằng những mong ước của họ sẽ được toại nguyện.

Chú thích ảnh
Bên dòng Mekong.

Viêng Chăn vừa là thủ đô vừa là thành phố lớn nhất của Lào, bao gồm 5 quận và 4 huyện. Tính đến năm 2023, thành phố có dân số hơn 1 triệu người. Viêng Chăn là đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Lào, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Viêng Chăn đang có nhiều thay đổi. Các khu nhà cao tầng, khu công nghiệp mới đang được xây dựng. Năm 2023, tổng sản phẩm nội địa của thành phố gần bằng 30% tổng GDP cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của Viêng Chăn đạt khoảng 6.000 USD, tăng nhiều lần so với giai đoạn 1975. Theo số liệu thống kê năm 2022, thủ đô Viêng Chăn có hơn 2.600 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Ngành công nghiệp cũng giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Chúng tôi đã đến thăm ga xe lửa tuyến Viêng Chăn - Côn Minh, một công trình khá hiện đại, đưa vào hoạt động chưa lâu. Tuyến đường sắt này góp phần đáng kể tăng khối lượng, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm giá dịch vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt đông kinh tế, giao thương , xuất nhập khẩu, du lịch giữa thủ đô với các vùng khác của Lào và với các tỉnh của Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Với các đồng nghiệp TTXVN tại Viêng Chăn.

Chúng tôi có những khoảnh khắc thư giãn ở Viêng Chăn: Thăm một phiên chợ đêm, tản bộ trong khu phố cổ, gặp gỡ với các bạn Lào và Việt. Nhưng những cuộc gặp gỡ bên bờ sông Mekong là ấn tượng hơn cả. Dòng sông có những sắc thái riêng vào ban ngày hay ban đêm. Cùng các nhà báo Phạm Văn Kiên, Đỗ Bá Thành - những phóng viên TTXVN đang thường trú tại Lào, chúng tôi đi dạo bên sông, có những cuộc gặp khi chiều xuống. Được ngồi cùng nhau  ngắm hoàng hôn bên chén rượu, ly bia Lào, với  món cá nổi tiếng chỉ Mekong mới có, là kỷ niệm khó quên trong chuyến hành trình. Trong sổ tay của tôi có mấy câu thơ ghi vội khi “Uống rượu bên dòng Mekong":

Nâng ly nhé, bốn bề gió thổi
Mekong bình yên con nước xuôi dòng
Lặng lẽ Viêng Chăn đền đài cung diện
Thạt Luổng mái cong mờ ảo khói sương…

Bài 3: Luang Prabang, nơi thời gian lưu dấu

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Du ký đất Lào - Bài cuối: Từ Sầm Nưa đến Viengxay - Những trang ký ức
Du ký đất Lào - Bài cuối: Từ Sầm Nưa đến Viengxay - Những trang ký ức

Từ Xiengkhuang về Sầm Nưa đường tốt hơn dù vẫn nhiều đèo dốc. Cảnh đẹp. Mây giăng trên những rặng núi xanh mờ. Làng bản nép bên sông suối. Một buổi sáng yên ả thanh bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN