Chúng tôi đến cửa khẩu Cầu Treo vào buổi trưa, sau khi vượt gần 400 km từ Hà Nội. Đường sá ngày một tốt hơn nên thời gian được rút ngắn. Cửa khẩu Cầu Treo nằm trên đỉnh đèo Keo Nưa, điểm cuối của Quốc lộ 8 trên đất Việt Nam, thuộc xã Sơn Kim (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Con đường này nối sang Quốc lộ 8 của Lào. Cửa khẩu ra đời vào 1954. Từ năm 1997, Cầu Treo được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, thông thương sang cửa khẩu Namphao, thuộc huyện. Khamkheuth, tỉnh Bolikhamxay của Lào.
Những thủ tục qua cửa khẩu khá nhanh gọn từ cả hai phía Việt và Lào. Đôi chút khúc mắc về thời hạn đăng kiểm xe đã được giải quyết với nụ cười rất nhẹ nhàng của các bạn công an Lào. Theo nhà báo Ngô Hà Thái, thủ tục để đưa ô tô từ Việt Nam sang khá thuận tiện, với việc được chọn hai cặp cửa khẩu đi và về, phù hợp với những "dân phượt" như chúng tôi.
Bình yên và thân thuộc. Đấy là cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi những vòng bánh xe đầu tiên lăn trên đất Lào. Con người, đồng lúa, làng bản đem lại cảm giác ấy. Họa sĩ Đỗ Đức trầm trồ với những đường cong lô nhô trên nền trời của những dãy núi. Vợ chồng người Lào bán những bắp ngô nóng cho đạo diễn Phạm Lộc có gương mặt rất hiền. Một mái tôn nhỏ. Mấy quả mít, ít bắp ngô. Họ bán những thứ nhà trồng cho khách qua đường với giá khá rẻ. Nếu không có vấn đề về ngôn ngữ, tưởng như mình đang ở một vùng quê nào đó ở Việt Nam.
Đường không được tốt. Nhưng theo nhà báo Ngô Hà Thái, như thế cũng đã khá hơn so với thông tin trước đây của dân phượt trên mạng. Đất rộng, người thưa, khả năng kinh tế có hạn, không dễ gì bạn đầu tư cơ sở hạ tầng ở mọi vùng cùng một lúc. Rất may là cơn mưa đầu mùa chỉ làm khó chúng tôi ở một đoạn sạt lở, lầy và trơn trượt. Mọi việc rồi cũng ổn thỏa.
Bolikhamxay là một tỉnh ở Trung Lào, có thị xã là Paksan, phía đông giáp các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của Việt Nam. Tỉnh có vị trí chiến lược trong hành lang kinh tế Đông - Tây qua đường 8A và 4B; là điểm kết nối giữa Việt Nam và Thái Lan. Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất này đã trải qua với rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược với người Xiêm.
Con đường chúng tôi đi chạy qua khu đa dạng sinh thái quốc gia Nakai - Nam Theun. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên lớn thứ ba của Lào. Bolikhamxay có nhiều sông. Con sông lớn nhất là Nam Kading, nghĩa là "Nước chảy như chuông", đổ ra sông Mê Công. Ngoài ra còn có các sông khác là sông Nam Muan, sông Nam Sat và sông Nam Tek. Các thác nước lớn có thác Tad Leuk, thác Tad Xay và thác Tad Xang. Dãy núi dài nhất của tỉnh là dãy Phou Louang, chạy về phía tây nam, dãy Phou Ao chạy về phía đông nam; dãy Thalabat chạy về phía tây nam, dãy Pa Guang chạy về phía đông bắc. Ở huyện Khamkheuth, danh thắng kiến tạo đá vôi Karst, được cho là kiến tạo có quy mô lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Có rất nhiều đỉnh núi nhỏ hợp thành khu rừng đá.
Cùng với hai tỉnh Khammouane và Savannakhet, tỉnh Bolykhamxay cũng là một trong những vùng trồng thuốc lá chính của Lào, đồng thời là một trong những vùng chủ lực trồng mía và cam. Trong những năm gần đây, kinh tế của Bolikhamxay phát triển ổn định, với mức tăng trưởng khoảng 3% năm.
Chúng tôi ngang qua sông Nam Kading trong một buổi trưa nắng đẹp. Tuy chưa nghe được tiếng “Nước chảy như chuông" nhưng được ngắm nhìn làng xóm bên sông hiển hòa, những bến nước thân thuộc bóng thuyền, bóng người. Có một công trình mới rất đẹp bên sông, với những mái nhà mang nét kiến trúc đặc trưng của Lào, soi bóng xuống dòng sông khi bắt đầu mùa nước.
Khu Rừng Đá là một vẻ đẹp riêng của Bolikhamxay. Ở thị trấn Lak Sao, đá núi mọc liền nhau, như cây trong rừng, lô nhô hai bên đường. Chúng tôi có dịp dừng chân ở khu nghỉ dưỡng có tên gọi lấy cảm hứng từ đá - Rock View Point, ngắm quang cảnh đẹp ở đây. Màu xanh bình yên của cây rừng xen với những ngọn núi đá mang màu xám từ thuở nguyên sơ tạo nên một bức tranh thiên nhiên hấp dẫn. Nhiều du khách nước ngoài đến đây để thưởng thức vẻ đẹp này.
Paksan, tỉnh lỵ của Bolikhamxay, nằm trên Quốc lộ 13, sát biên giới Thái Lan. Một thành phố yên tĩnh với những con phố nhỏ ven sông, những ngôi đền và chùa cổ. Paksan đang được mở mang, xây dựng để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, trên hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào với các tỉnh miền trung Việt Nam. Cây cầu lớn, nối Paksan với thị xã Meuang của Thái Lan sắp hoàn thành.
Chúng tôi đã có một buổi chiều đi dạo ở Paksan, ngắm những dãy phố lên đèn, ăn bữa cơm đầu tiên trên đất Lào với những món ăn riêng của vùng đất này. Giá cả rất phải chăng. Bữa ăn ngon cho bốn người chỉ hơn 300 ngàn kíp. Chúng tôi nghỉ ở Khem Khong, một khách sạn nhỏ, đủ tiện nghi và sạch sẽ. Giá chỉ 200 ngàn kíp cho mỗi phòng đơn.
Buổi sáng ở Paksan rất yên ả. Nhịp sống chậm là một đặc trưng của người Lào. Các hàng quán đều mở muộn. Chúng tôi đã thăm Công viên Xixophon Novanxay, mang tên một nhà cách mạng Lào. Khu vườn hoa, đền thờ, những bức tượng ở đây có phong cách đặc trưng của Lào. Những người dân đi bộ sớm trong công viên rất thân thiện với du khách từ Việt Nam sang. Chúng tôi cũng đến thăm khu trung tâm, ngôi chùa lớn trên đồi cao, nơi có thể ngắm toàn cảnh thành phố. Những nhà sư đi khất thực buổi sáng trên những con phố nhỏ cũng là những hình ảnh gây ấn tượng ở đây .
Từ Paksan, chúng tôi ngược lên phía Bắc về phía Viêng Chăn để thăm Wat Phabath, ngôi chùa rất đẹp, tiếng Lào có nghĩa là Dấu chân Phật. Khi người dân địa phương phát hiện ra một dấu chân Phật trên đá, họ đã xây dựng nên ngôi chùa này. Người hành hương, du khách sau đó dát giấy vàng lên Phabath, làm cho Dấu chân Phật ngày càng đẹp. Rằm tháng giêng hàng năm là ngày tổ chức lễ hội ở đây. Trong khuôn viên của chùa có những gốc cây cổ thụ rất lớn. Những pho tượng trong chùa được đắp bằng đất sét, tạc bằng đá hoặc từ gỗ quý. Chúng tôi đã dâng lễ ở Phabath, gặp gỡ với các sư trụ trì ở đây .
Đường về Viêng Chăn khá tốt. Đây là đường trục nối từ Bắc xuống Nam Lào. Chúng tôi dừng chân ở một quán ven đường của gia đình ông Bun Kín, một chiến sĩ Pathet Lào năm xưa. Ông đã ngoài bảy mươi, nói tiếng Việt rất giỏi, đã từng sang học ở Việt Nam từ khi còn trẻ, có nhiều người bạn Việt Nam. Tình hữu nghị rất đặc biệt Việt - Lào có thể gặp ở nhiều nơi trên đất nước Lào qua những con người bình thường như Bun Kin và những người thân trong gia đình ông.
Bài 2: Những sắc màu Viêng Chăn