Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn chưa phát triển xứng tầm, nhiều mảng vẫn còn bỏ ngỏ, hoặc chỉ mới khai thác ở giai đoạn đầu. Chính vì vậy, năm 2024, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đầu tư làm mới và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng để khai thác hết tiềm năng của các lĩnh vực này.
Bài 1: Bỏ ngỏ doanh thu du lịch y tế
Với lợi thế về hệ thống cơ sở y tế phong phú, đa dạng, cùng dịch vụ y tế chất lượng cao, chi phí hợp lý, đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, du lịch y tế đã được TP Hồ Chí Minh chọn là một trong những sản phẩm chủ lực để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng là sản phẩm có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh rõ rệt so với các địa phương khác, mang lại nguồn thu ước tính lên đến hàng tỷ USD.
Nguồn thu tỷ đô
Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, lượng khách quốc tế đến Việt Nam để khám chữa bệnh tăng đều qua các năm, với doanh thu ước tính khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Trung bình mỗi năm, khoảng 300.000 du khách quốc tế đến Việt Nam để điều trị y tế, trong đó khoảng 40% chọn TP Hồ Chí Minh là điểm đến.
Theo Tạp chí International Living (Australia), chi phí làm răng tại Việt Nam thấp hơn từ 6 đến 10 lần so với các quốc gia như Mỹ, Canada, Australia. So ngay với một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia, chi phí làm răng ở Việt Nam cũng rẻ hơn từ 30 đến 50%.
Cùng với đó, chi phí phẫu thuật bắc cầu tim tại Việt Nam dao động từ 10.000 - 15.000 USD, trong khi ở Thái Lan là 25.000 - 30.000 USD.
Những lợi thế này đã tạo ra cơ hội lớn cho TP Hồ Chí Minh trong việc phát triển du lịch y tế.
Nhận thấy tiềm năng này, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã kết nối với hơn 50 đơn vị, bao gồm các bệnh viện, cơ sở y tế, spa, doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu của du khách. Những sản phẩm này chủ yếu tập trung vào các thế mạnh của ngành y tế Việt Nam như răng hàm mặt, da liễu, phẫu thuật tim, điều trị hiếm muộn, khám chữa bệnh bằng thuốc Đông y…
Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt cho biết, nhờ vào chi phí cạnh tranh, năng lực y khoa và thời gian điều trị nhanh chóng, cùng lợi thế về cảnh quan tự nhiên, giá trị lịch sử và văn hóa, Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, có đầy đủ điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó có du lịch y tế.
Để khai thác tiềm năng này, công ty đã cho ra mắt sản phẩm du lịch y tế mang tên "Tỏa sáng nụ cười Sài Gòn". Du khách tham gia chương trình sẽ được chăm sóc sức khỏe răng miệng, thưởng thức các món ăn thực dưỡng và tham quan các địa điểm nổi tiếng như Nhà hát Thành phố, Bưu điện Trung tâm TP Hồ Chí Minh và Hội trường Thống Nhất.
Dưới góc độ nhà quản lý, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, ngành du lịch y tế của Thành phố có rất nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nhờ vào hệ thống cơ sở vật chất hiện đại với 131 bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ trình độ cao và chi phí khám chữa bệnh hợp lý. TP Hồ Chí Minh cũng sở hữu các bệnh viện đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, như Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Da liễu… Những cơ sở này có thể tiếp nhận khách du lịch có nhu cầu chăm sóc sức khỏe hoặc điều trị y tế chuyên sâu.
"Mới đây, Sở Du lịch và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cho ra mắt Cẩm nang Du lịch y tế, một trong những kết quả đáng khích lệ sau 5 năm triển khai kế hoạch hợp tác giữa hai sở về phát triển sản phẩm du lịch y tế. Theo đó, hai bên đã xây dựng và triển khai tiêu chí để các bệnh viện, cơ sở y tế đăng ký tham gia chương trình du lịch y tế, ra mắt website chuyên biệt và tổ chức chương trình khảo sát học tập kinh nghiệm từ các quốc gia như Thái Lan, Campuchia", bà Hiếu chia sẻ.
Thiếu và yếu ngoại ngữ chuyên ngành
Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng du lịch y tế tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn gặp một số khó khăn cần khắc phục. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nhấn mạnh, một trong những vấn đề lớn là thiếu nguồn nhân lực thông thạo ngoại ngữ chuyên ngành y tế. Bên cạnh đó, công tác quảng bá và xúc tiến du lịch y tế còn thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhiều bệnh viện, dù có sản phẩm du lịch y tế chất lượng và giá cả cạnh tranh, nhưng vì thiếu các hoạt động truyền thông hiệu quả, nên khách quốc tế vẫn chưa biết đến.
Bà Võ Ngọc Điệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú du lịch (Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh) cũng chỉ ra sự thiếu hụt nhân lực có ngoại ngữ chuyên ngành y tế, đặc biệt là với các thị trường như Campuchia và Lào, đang gây khó khăn trong việc phục vụ khách du lịch y tế. Đồng thời, tình trạng quá tải tại các bệnh viện công cũng là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của ngành. Các bệnh viện công hiện nay, mặc dù có những thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ trình độ cao, nhưng việc quá tải khiến thời gian và chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng, kể cả sự hài lòng của du khách.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ngành y tế Thành phố đã có nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực như điều trị hiếm muộn, tầm soát ung thư bằng công nghệ cao, nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ, phục hồi chức năng, y học cổ truyền… Đây là những thế mạnh có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch y tế hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
“Do đó, ngành du lịch cần kết nối với các cơ sở dịch vụ du lịch y tế, các khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng để tạo thành hệ sinh thái bảo đảm cung cấp dịch vụ du lịch y tế chất lượng. Thành phố cũng cần xây dựng một tổng đài du lịch y tế để tiếp nhận và điều phối các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khách du lịch về khám sức khỏe và các dịch vụ y tế chuyên sâu”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Bài 2: Làm mới du lịch di sản văn hóa