Đánh thức tiềm năng du lịch TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Du lịch nông nghiệp chưa ‘tỏa sáng’

Theo đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, mặc dù du lịch nông nghiệp được kỳ vọng mang lại nhiều nguồn thu cho người dân khi đầu tư vào lĩnh vực này, sản phẩm du lịch nông nghiệp của Thành phố hiện vẫn chưa thể “tỏa sáng” đúng như mục tiêu đã đề ra.

Chú thích ảnh
Học sinh tham quan, trải nghiệm làm gốm tại mô hình Pro Farm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.

Thiếu vốn đầu tư

Trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực phát triển các loại hình du lịch bền vững, du lịch nông thôn nổi lên như một xu hướng, thu hút sự quan tâm của cả du khách và cộng đồng địa phương. Mô hình du lịch này kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và trải nghiệm du lịch, không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho nông hộ, mà còn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái độc đáo. 

Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc ở thành phố Thủ Đức là mô hình du lịch nông nghiệp đã thành công bước đầu, nhưng cũng đang đối diện với không ít khó khăn về vốn và chính sách.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Ngọc cho biết, việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch trải nghiệm với chương trình “Một ngày làm nông dân” của đơn vị, đã thu hút rất nhiều học sinh, gia đình tham gia. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn để đầu tư vào cơ sở vật chất và phát triển các dịch vụ du lịch.

Du lịch nông nghiệp là một mô hình đòi hỏi đầu tư dài hạn và liên tục, bao gồm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, duy trì và bảo dưỡng, cũng như đầu tư vào nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu không có đủ vốn, việc triển khai mô hình này sẽ rất khó khăn.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch để thu hút thêm du khách. 

Theo ông Tuấn, hiện nay, HTX vẫn chưa tiếp cận được các chương trình vay vốn tín chấp hay các gói hỗ trợ tài chính từ phía chính quyền để đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp. Điều này gây khó khăn trong việc triển khai các dự án phát triển dịch vụ, bởi chi phí đầu tư cho du lịch nông nghiệp là không nhỏ và cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài hạn.

Tương tự, ông Phan Văn Kèo, chủ mô hình Pro Farm (huyện Hóc Môn) cho biết, TP Hồ Chí Minh có trên 2,3 triệu học sinh các bậc học, vì vậy, nhu cầu trải nghiệm nông nghiệp nông thôn rất lớn, nhưng thành phố vẫn chưa đầu tư đủ sâu vào loại hình này. “Đất nông nghiệp bỏ hoang quá nhiều. Trước đây, đất của gia đình tôi cũng bị bỏ không vì trồng lúa không mang lại hiệu quả. Sau đó, tôi chuyển sang trồng cây lâu năm, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao. Mãi cho đến khi nhận thấy tiềm năng lớn từ du lịch sinh thái trải nghiệm, tôi quyết định thử sức. Năm 2015, tôi bắt đầu tự triển khai mô hình du lịch nông nghiệp và đến năm 2016, mô hình này chính thức đi vào hoạt động. Đặc biệt, tôi rất may mắn khi được địa phương tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Với sự hỗ trợ đó, tôi đã xây dựng nên Pro Farm", ông Phan Văn Kèo chia sẻ.

Theo ông Kèo, mô hình du lịch trải nghiệm Pro Farm chính thức đi vào hoạt động vào năm 2023, với tổng kinh phí đầu tư lên đến hơn 7 tỷ đồng. Hiện nay, mô hình này đang đón tiếp hơn 1.000 học sinh mỗi ngày, cùng với rất nhiều khách tham quan khác. Ông Kèo cho rằng, muốn phát triển du lịch nông nghiệp, các doanh nghiệp cần có chủ trương và chính sách hỗ trợ cụ thể. Khi đó, nông dân mới mạnh dạn đầu tư phát triển, từ đó thu hút lượng lớn học sinh, sinh viên và du khách tham gia các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp, thay vì phải tổ chức các tour du lịch sinh thái đi các tỉnh khác với chi phí khá cao.

Đa dạng sản phẩm, tăng cường liên kết

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn rất lớn. Không phải nông nghiệp cần du lịch, mà chính du lịch đang cần nông nghiệp hỗ trợ”. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, chủ yếu nhờ vào không gian sống xanh, chẳng hạn như du lịch xanh tại Rừng Sác Cần Giờ, du lịch sinh thái tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp đang gặp phải khó khăn về nguồn nhân lực, sản phẩm chưa ổn định và sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn hạn chế.

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, du lịch nông thôn tại TP Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng sẵn có và hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn trong bản đồ du lịch của Thành phố. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự chung tay của nhiều phía, bao gồm nhà quản lý, người nông dân và doanh nghiệp du lịch, để phát triển bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho cả du khách và cộng đồng địa phương. TP Hồ Chí Minh cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho sản phẩm du lịch nông thôn và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch và nông nghiệp để đạt hiệu quả cao.

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm du lịch xanh tại rừng Sác Cần Giờ.

Liên quan đến du lịch nông thôn, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, cả nước hiện có 488 điểm du lịch, trong đó du lịch nông thôn chiếm 40%. Tại TP Hồ Chí Minh, có 68 điểm du lịch, thì chỉ có 24 điểm là du lịch nông thôn. Con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của thành phố. Năm 2023, Thành phố đã đón 40 triệu lượt khách, nhưng chỉ có 5,4 triệu lượt khách tìm về các vùng nông thôn. Đây là một tiềm năng khá lớn nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để để gia tăng nguồn thu cho người dân.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cần phát triển 3 - 5 tour du lịch sinh thái tại các địa phương để thu hút thêm du khách. Trong thời gian gần đây, Thành phố cũng đã có những bước phát triển như các sản phẩm OCOP, các khu homestay và các quán ăn đồng quê... để thu hút du khách. Tuy nhiên, mức độ phát triển của các sản phẩm này còn khá hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực của thành phố. Nguyên nhân là do người nông dân hiện nay vẫn còn sản xuất riêng lẻ, chưa liên kết hiệu quả với doanh nghiệp du lịch để tăng cường sức mạnh phát triển.

Ngoài nhà nông, cần có sự tham gia của nhà nước, các nhà khoa học, ngân hàng và các tổ chức nghiên cứu để cùng bàn bạc, tìm ra giải pháp phát triển nền nông nghiệp du lịch bền vững cho TP Hồ Chí Minh.

"Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện cho nông dân tham gia các khóa học nghiên cứu các mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả để về địa phương phát triển. Đồng thời, Thành phố cũng sẽ tạo điều kiện để ngành du lịch kết nối chặt chẽ với ngành nông nghiệp nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp mới, góp phần tăng nguồn thu cho người dân", ông Võ Văn Hoan nói.

Bài 4: Khai thác mỏ vàng trên sông

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Du lịch là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế - xã hội Bình Thuận
Du lịch là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế - xã hội Bình Thuận

Ngày 28/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, thu chi ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN