Tại hội nghị, đại biểu đã thảo luận xoay quanh vấn đề về vị trí, thế mạnh du lịch nông thôn trong xây dựng thương hiệu du lịch Long An; tiềm năng, cơ sở triển khai loại hình du lịch đường sông tại tỉnh; thực trạng đào tạo nguồn nhân lực du lịch; phát triển du lịch nông thôn; phát triển mô hình du lịch sinh thái và chăm sóc sức khỏe từ nguồn dược liệu đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An... và các vấn đề liên quan.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Ngân, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển du lịch nông thôn bền vững và hiệu quả, Long An cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng đến xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng. Cụ thể, tỉnh tập trung quy hoạch phát triển du lịch nông thôn; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nông thôn; hỗ trợ và khuyến khích người dân địa phương tham gia làm du lịch; ứng dụng công nghệ trong quảng bá và quản lý; bảo tồn, phát triển bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 4 sao mang nét đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ thành lập 6 điểm trưng bày sản phẩm OCOP. Thông qua các điểm trưng bày tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP của tỉnh giới thiệu, quảng bá, đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường. Mục tiêu đến năm 2025, Long An phát triển, chuẩn hóa điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phần lớn các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có hình thành điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.
Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An thông tin, với vị trí “giao thoa” giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Long An đóng vai trò cầu nối giữa hai vùng kinh tế quan trọng trong giao thương và du lịch. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng cũng như phát huy thành tựu bước đầu trong quản lý du lịch, tỉnh đề ra chủ trương phát triển du lịch Long An tương xứng tiềm năng, đặc điểm của địa phương, nhất là loại hình du lịch nông thôn gắn liền với sản phẩm OCOP. Song song đó, Long An đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư du lịch đường sông, gắn với khai thác cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Cũng theo ông Phạm Tấn Hòa, các ý kiến đóng góp là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh du lịch nghiên cứu, áp dụng trong quá trình quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch, bảo vệ môi trường… Qua đó, góp phần đưa các sản phẩm du lịch tỉnh Long An phát triển bền vững.