Tạo sự khác biệt trong khai thác di sản
TP Hồ Chí Minh có rất nhiều di sản lịch sử và văn hóa nổi tiếng như: Dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi, Bưu điện Thành phố, căn cứ Rừng Sác, Bảo tàng Áo Dài, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Những di tích này đã và đang là điểm đến quan trọng trong các chương trình tham quan cho du khách trong và ngoài nước.
Ngoài việc khai thác các điểm tham quan di sản truyền thống, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh còn chú trọng làm mới các giá trị di sản văn hóa hiện có. Điển hình là việc mở cửa cho du khách tham quan trụ sở UBND - HĐND TP Hồ Chí Minh, một công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn Pháp, được coi là kiệt tác nghệ thuật của Sài Gòn và cả Việt Nam.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai một số dự án đặc sắc như Đề án phố đêm Chợ Lớn tại Quận 6. Trong đó, Chợ Bình Tây (Chợ Lớn) được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật. Đây là một trong những di sản văn hóa mới được khai thác, nhằm thu hút khách du lịch, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch tại thành phố.
Một điểm đáng chú ý là Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh được tổ chức định kỳ hàng năm, đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Lễ hội này không chỉ khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của sông Sài Gòn. mà còn quảng bá các làng nghề truyền thống, các biểu tượng du lịch và điểm đến văn hóa, giải trí đặc trưng của thành phố. Qua đó, TP Hồ Chí Minh đang dần định vị thương hiệu là một đô thị sông nước với bản sắc riêng biệt.
Một trong những sản phẩm du lịch di sản nổi bật khác hiện nay là tour "Theo dấu chân biệt động Sài Gòn", thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Các điểm đến trong hành trình này bao gồm: Di tích bia tưởng niệm các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Bảo tàng Tình báo Biệt động Sài Gòn-Gia Định, Quán cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn, nơi từng là trạm giao liên và có hòm thư bí mật của lực lượng biệt động. Tại mỗi điểm, du khách sẽ được tìm hiểu về những chiến công và hy sinh của các chiến sĩ biệt động trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968, với nhiều nhân vật là nguyên mẫu trong bộ phim "Biệt động Sài Gòn".
Tạo sự kết nối giữa các đơn vị
Theo bà Phan Yến Ly, Chuyên gia du lịch, hiện nay, khoảng 70% các tour du lịch của các doanh nghiệp lữ hành tập trung khai thác các tài nguyên di sản vật thể của TP Hồ Chí Minh như Địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Tuy nhiên, một số di tích vẫn chưa thực sự “sống”, thiếu các hoạt động tương tác, chưa tạo cơ hội cho du khách hòa mình vào cuộc sống thực của người dân địa phương hay tham gia vào các hoạt động văn hóa. Việc này khiến các điểm di tích chưa thể tạo được trải nghiệm sâu sắc cho du khách.
Bà Phan Yến Ly cũng cho rằng, công tác quy hoạch và bảo tồn di sản văn hóa hiện nay còn chưa đầy đủ. Một số công trình kiến trúc cổ xưa hiện đang được sử dụng cho các mục đích khác, khiến khách tham quan khó tiếp cận như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hay các biệt thự cổ đã được cho thuê làm nhà hàng. Điều này hạn chế việc phát triển du lịch di sản tại TP Hồ Chí Minh.
Chuyên gia này đề xuất, để "đánh thức" tiềm năng du lịch di sản, các sở, ban, ngành cùng doanh nghiệp cần phối hợp để tổ chức thêm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và lễ hội tại các di tích, đồng thời xây dựng không gian trải nghiệm để du khách có thể tham gia khám phá và học hỏi.
Theo thống kê từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Thành phố hiện sở hữu hơn 366 tài nguyên du lịch, trong đó có trên 220 điểm đến gắn với giá trị văn hóa vật thể. TP Hồ Chí Minh xác định, việc xây dựng và khai thác các điểm đến di tích lịch sử - văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và khẳng định sức hút của thành phố như một trung tâm du lịch lớn trong cả nước.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch di sản văn hóa vẫn còn một số hạn chế, như thiếu nguồn kinh phí, thiếu sự liên kết giữa các bên và thiếu sự đồng bộ trong việc khai thác các di sản. Để khắc phục tình trạng này, TP Hồ Chí Minh cần tăng cường hợp tác, liên kết để nâng cao giá trị các di sản, tạo nên một tổng thể di sản văn hóa đặc sắc trong lòng đô thị.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để di sản văn hóa trở thành tài nguyên du lịch thực sự, cần có sự phối hợp giữa nhà quản lý, các công ty điều hành tour và cộng đồng. Việc nâng cấp và đa dạng hóa sản phẩm du lịch di sản hiện có là yếu tố quan trọng, giúp du lịch di sản không chỉ thu hút mà còn giữ chân du khách lâu dài.
Còn theo ông Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch, TP Hồ Chí Minh có thể nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng ngay trong đô thị. Những không gian văn hóa đặc trưng của các cộng đồng dân cư như người Hoa, người Chăm… cũng là một nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Mỗi cộng đồng này đều có nghề truyền thống, mang đến cơ hội phát triển du lịch làng nghề ngay giữa lòng thành phố, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa.
Để du lịch di sản TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hơn, Thành phố cần tiếp tục nỗ lực làm mới các sản phẩm du lịch di sản hiện có, khai thác tối đa giá trị văn hóa, lịch sử và các di tích. Việc kết hợp các hoạt động văn hóa, lễ hội và tạo không gian trải nghiệm thực tế cho du khách sẽ là chìa khóa để biến di sản văn hóa thành động lực thúc đẩy ngành du lịch TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững.
Bài 3: Du lịch nông nghiệp chưa ‘tỏa sáng’